Mục tiêu của quyết định trên không gì khác ngoài cung cấp thêm vốn hỗ trợ nền kinh tế đang chịu tác động của dịch COVID-19 ngày càng nặng nề. Trước đó, 100 tỷ NDT (hơn 14 tỷ USD) đã được bơm ra thị trường tài chính thông qua các hợp đồng mua lại Repo đảo ngược.
Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được hạ thêm 0,1%, xuống còn 4,05%. Nhiều đối sách như vậy, nhưng dường như nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh chưa đủ để bù đắp tổn thất của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Kết quả khảo sát 480 lãnh đạo doanh nghiệp của Hurun cho thấy, hơn 1/2 doanh nghiệp đang chìm trong cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt. Trong đó 90% các doanh nghiệp đều rơi vào cảnh kinh doanh ế ẩm trong tháng 2, có nơi doanh thu chỉ bằng nửa so với trước kia.
Anh Heiwwai Tang - Giáo sư kinh tế Trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho hay: "COVOD-19 được ví như 'con thiên nga đen của năm 2020' - một sự kiện đen đủi, bất ngờ. Nó có sức ảnh hưởng kép lên cả nguồn cung lẫn cầu".
Nhận thấy tình thế cấp bách, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, PBOC đã quyết định cắt thêm lượng tiền mặt bắt buộc mà một số ngân hàng thương mại phải dự trữ.
Ông Ting Lu - Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc, Ngân hàng Nomura - cho biết: "Như những gì chúng tôi hy vọng, mức cắt giảm RRR sẽ là 50 điểm cơ bản cho 6 ngân hàng quốc doanh lớn nhất và 100 điểm cơ bản cho các ngân hàng khác bao gồm ngân hàng cổ phần, ngân hàng thương mại thành phố và nông thôn, quỹ tín dụng nông thôn".
Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dự kiến sẽ giải phóng 550 tỷ NDT (gần 79 tỷ USD) trong hệ thống ngân hàng. Biện pháp này nhằm mục đích cung cấp nguồn vốn giá rẻ dài hạn cho các ngân hàng, để khuyến khích giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang chật vật vì COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!