An ninh lương thực đang là mối quan tâm hàng đầu của giới chức Trung Quốc (Nguồn: Reuters)
Thông báo được Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra hôm thứ Ba (17/11) cho biết, việc sử dụng đất canh tác cho các loại cây không phải ngũ cốc sẽ được xem xét kỹ lưỡng và hạn chế, bởi Trung Quốc cần phải "ổn định sản lượng ngũ cốc trong nước nhằm đối phó với tình hình bất ổn của nền kinh tế toàn cầu".
Hướng dẫn này đánh dấu một sự chuyển đổi đáng chú ý từ chính sách truyền thống của Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh từng khuyến khích người nông dân đa dạng hóa mục đích sử dụng đất canh tác, đặc biệt là thúc đẩy gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bông, thuốc lá, hoặc trồng rau, đào ao nuôi cá để thúc đẩy tăng trưởng.
Những lo ngại về nguồn cung ngũ cốc có thể gợi lại những ký ức không mấy dễ chịu tại Trung Quốc. Hồi năm 1958, Chính phủ Trung Quốc từng áp dụng chính sách nông nghiệp lấy ngũ cốc làm trọng điểm, nhằm đảm bảo an ninh lương thực tuyệt đối. Tuy nhiên, chính sách này đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói tại các vùng nông thôn. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 1978, sau khi chính phủ Trung Quốc cho phép người nông dân tự quyết định cây trồng phù hợp.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, giới chức Trung Quốc trong những tháng gần đây đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực. Mặc dù Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, sản lượng ngũ cốc của nước này dự kiến sẽ tiếp tục đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phát động chiến dịch cắt giảm lãng phí thực phẩm trên cả nước.
Sản lượng ngũ cốc đạt mức kỷ lục chưa thể làm dịu nỗi lo về an ninh lương thực tại Trung Quốc (Nguồn: Reuters)
Theo hướng dẫn mới, nông dân Trung Quốc cần ưu tiên trồng các loại cây ngũ cốc và các sản phẩm có thể ăn được, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế. "Trung Quốc cần hoàn thành nhiệm vụ nuôi sống 1,4 tỷ người". Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng yêu cầu các chính quyền địa phương phải đảm bảo diện tích gieo trồng ngũ cốc tối thiểu.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ không trực tiếp chỉ đạo việc người nông dân trồng cây gì, mà chỉ thực hiện các biện pháp khuyến khích kinh tế để thúc đẩy việc gieo trồng ngũ cốc, bao gồm các khoản trợ cấp và áp dụng giá mua lương thực tối thiểu. Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, hồi năm 2018, Trung Quốc đã khuyến khích nông dân trồng đậu nành bằng cách tăng trợ cấp, từ đó giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Mỹ.
Các biện pháp trợ giá sẽ được áp dụng để khuyến khích người nông dân Trung Quốc gieo trồng ngũ cốc (Nguồn: Reuters)
Ông Ma Wenfeng – chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn Kinh doanh nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh cho biết, điều quan trọng là chính phủ cần đảm bảo rằng, các hoạt động công nghiệp và thương mại sẽ không ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác.
"Mục đích của chính sách này là yêu cầu tất cả các tỉnh tăng cường nguồn cung ngũ cốc", ông Zhang Xin một nhà phân tích tại Viện Sáng tạo Công nghệ nông nghiệp GLOCON, có trụ sở tại Cáp Nhĩ Tân cho biết, Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào chính sách lương thực sau đại dịch COVID-19. "Thực tế về nguồn cung, năm nay sẽ không có vấn đề lớn. Điều quan trọng là tích trữ. Đây là điều mà chính phủ và toàn bộ ngành nông nghiệp đang cố gắng thực hiện".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!