Công ty của ông Andreas Jaeger đã tiến vào thị trường Trung Quốc từ 20 năm nay. Sản phẩm chính là những đường ống cao su và thiết bị để dùng trong hệ thống thoát nước, hệ thống năng lượng mặt trời.
"90% các trạm năng lượng mặt trời trên toàn cầu được đặt ở Trung Quốc. Một nửa các hệ thống xử lý nước thải trên thế giới cũng nằm ở Trung Quốc. Đây là một thị trường rất quan trọng với công ty chúng tôi", ông Andreas Jaeger, chủ doanh nghiệp tại Đức, cho biết.
Công ty nằm ở Hanover Đức và có nhà máy đặt tại Trung Quốc. Cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp khác trong các ngành công nghiệp của Đức, công ty của ông Andreas đang tìm hướng đi để bớt phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc về mặt lợi nhuận.
"Nhiều doanh nghiệp EU cũng muốn tìm kiếm những thị trường có tiềm năng, có thể bù trừ cho thị trường Trung Quốc. Với tình hình kinh tế, địa chính trị như hiện nay, các doanh nghiệp luôn ưu tiên một môi trường kinh doanh ổn định và đặc biệt e ngại các lệnh trừng phạt kinh tế nếu có", ông Andreas Jaeger cho biết thêm.
Theo EuroCham, 1/3 số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cho biết xung đột tại Ukraine khiến Trung Quốc trở thành một điểm đến kinh doanh kém hấp dẫn hơn, bởi Bắc Kinh hiện đang là đối tác gần gũi của Moscow.
Nhiều doanh nghiệp EU muốn tìm kiếm những thị trường có tiềm năng, có thể bù trừ cho thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Khoảng 7% số công ty được thăm dò ý kiến cho biết đang xem xét chuyển bớt hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc do lo ngại những rủi ro địa chính trị khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể ảnh hưởng tới cả nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài những tác động từ ngoại cảnh, môi trường kinh doanh nội địa cũng đang khiến doanh nghiệp châu Âu băn khoăn.
"Tùy từng lĩnh vực mà môi trường kinh doanh có thể thuận lợi hoặc không. Nếu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp những dịch vụ hay sản phẩm công nghệ cao mà chính phủ Trung Quốc thật sự cần thì họ vẫn sẽ có dư địa để phát triển. Còn nếu muốn cạnh tranh trong những lĩnh vực mà các công ty nội địa có công nghệ sẵn, thì sẽ khó hơn nhiều", ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại SOAS, đánh giá.
Ở chiều ngược lại, các thành phố lớn tại Trung Quốc vẫn khẳng định dòng vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng với nền kinh tế.
Riêng chính quyền thành phố Thượng Hải có kế hoạch tổ chức ít nhất 100 chuyến thăm nước ngoài trong năm nay để thu hút doanh nghiệp, trong khi tỉnh Quảng Đông muốn thu hút ít nhất 2.000 tỷ Nhân dân tệ (288 tỷ USD) đầu tư nước ngoài trong 5 năm tới.
Kinh tế châu Âu phục hồi tích cực VTV.vn - Nhờ giá năng lượng thấp, tiêu thụ khí đốt giảm, nguồn cung được đa dạng hoá nhanh chóng, cùng sự cải thiện của thị trường lao động đã giúp nền kinh tế châu Âu phục hồi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!