Theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố, nhiều chuyên gia lo lắng về sự phục hồi nền kinh tế số 2 thế giới yếu đi. Trung Quốc đang có những động thái đầu tiên để nhanh chóng giảm tiếp lãi suất cho vay nhằm kích thích nền kinh tế cũng như ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,8%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) - đo lường chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy tháng 5 giảm 4,6%, tháng thứ 8 liên tiếp PPI đi xuống.
Cục Thống kế Quốc gia cho rằng, sự sụt giảm là do xu hướng giảm chung của giá hàng hóa quốc tế, nhu cầu yếu trên thị trường sản phẩm công nghiệp nội địa và quốc tế cùng cơ sở so sánh cao trong cùng kỳ năm 2022.
Khách hàng mua rau tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc như Mỹ, châu Âu, ASEAN đều giảm trong tháng 5. Lạm phát giá tiêu dùng quá thấp, gần sát với 0%, cùng các chỉ số về hoạt động sản xuất co cụm, xuất khẩu giảm, đà phục hồi thị trường bất động sản chậm lại, nên các chuyên gia nhận định, đây là chỉ dấu tăng trưởng yếu đi.
Ngoài ra, mối lo về nguy cơ giảm phát cũng tăng lên nếu trong một thời gian dài, các loại hàng hóa dịch vụ giảm liên tục trên quy mô rộng khiến các vấn đề kinh tế xấu đi.
Ngày 8/6, một số ngân hàng quốc doanh lớn đã giảm lãi suất huy động tiền gửi.
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, dù hiện nay lãi suất cho doanh nghiệp vay phổ biến 4 - 5%/năm. Thậm chí một số chuyên gia Trung Quốc còn đề xuất Chính phủ phát tiền cho người dân xài để tăng chi tiêu - một việc làm chưa có tiền lệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!