Theo thống kê của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, các khoản chi tiêu của hệ thống bảo hiểm thất nghiệp Trung Quốc đã tăng lên 37,2 tỷ nhân dân tệ (5,45 tỷ USD) trong tháng 6, gấp 3,6 lần so với con số của cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ khi dữ liệu hàng tháng bắt đầu được lưu giữ vào năm 2013.
Các khoản chi tiêu này nhằm tăng trợ cấp cho những người thất nghiệp và thanh toán cho người sử dụng lao động để giữ người lao động trong biên chế.
Cũng theo thống kê, doanh thu vào hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tăng 20%, một phần nhờ vào dòng người đóng góp. Nhưng các khoản thanh toán lớn đã dẫn đến tình trạng thâm hụt 22,7 tỷ Nhân dân tệ trong tháng.
Đây là con số thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch lần đầu tiên tấn công nền kinh tế Trung Quốc. Nhìn chung, trong nửa đầu năm, con số thâm hụt là 15,6 tỷ Nhân dân tệ.
Các khoản chi tiêu của hệ thống bảo hiểm thất nghiệp Trung Quốc đã tăng lên 37,2 tỷ nhân dân tệ (5,45 tỷ USD) trong tháng 6, gấp 3,6 lần so với con số của cùng kỳ năm trước
Thị trường việc làm của Trung Quốc đang gặp khó, một phần vì chính sách Zero COVID trước sự lây lan mạnh của biến thể Omicron hồi đầu năm nay. Các khoản chi bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng để trả cho số lượng người thụ hưởng ngày càng tăng và và duy trì lược lượng lao động còn lại.
Các doanh nghiệp giữ người lao động trong biên chế được hoàn trả một phần tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp của năm trước. Năm nay, Chính phủ đã tăng quy mô của các khoản hoàn trả này.
Các tập đoàn lớn được hoàn lại 50%, tăng từ 30% của năm trước Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ nhận được khoản hoàn trả tối đa là 90%, tăng từ 60%. Theo Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, trong nửa đầu năm này, 5,84 triệu công ty đã nhận được 33,1 tỷ Nhân dân tệ tiền hoàn lại.
Theo tính toán, số dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã giảm trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2019 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động của đại dịch. Con số này cán mốc 331,3 tỷ Nhân dân tệ vào cuối năm 2021 - giảm 43% so với mức đỉnh vào năm 2018.
Tờ Nikkei nhận định, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng tăng tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc cạnh tranh tìm việc làm ngày càng gay gắt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao kỷ lục trong bốn tháng liên tiếp tính đến tháng Bảy vừa rồi. Để giải quyết vấn đề cơ cấu, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng đã được sử dụng để đào tạo nghề.
Takamoto Suzuki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Marubeni, Trung Quốc, nhận định: "Rất có khả năng, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp sẽ thâm hụt cả năm trong cả năm 2022".
"Nếu số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục giảm, mọi việc sẽ khó khăn hơn để duy trì những chương trình mà người dân đang đón nhận như kéo dài thời gian nhận quyền lợi bảo hiểm hoặc mở rộng điều kiện được thanh toán", ông Takamoto Suzuki nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!