Trong những tháng đầu năm nay, khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, khẩu trang đã trở thành một mặt hàng "quý hơn vàng". Kéo theo cơn sốt săn tìm khẩu trang là sự nở rộ của các nhà máy sản xuất vật liệu và khẩu trang. Tuy nhiên, đây có vẻ là ngành kinh doanh "sớm nở tối tàn", khi sức hút với khẩu trang đang dần hạ nhiệt và tiêu chuẩn tiêu dùng cho mặt hàng y tế này càng trở nên khắt khe hơn.
Một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải. (Ảnh minh họa: Reuters)
Kể từ tháng 4 năm nay, khi cơn sốt khẩu trang trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một nhà máy sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc đã tích cực tìm mua và dự trữ hàng nghìn tấn vải loại tan chảy và vải kháng khuẩn không dệt - những vật liệu thiết yếu cho sản xuất khẩu trang, với mức giá cao ngất ngưởng, bởi chủ nhà máy mua vào đúng lúc hàng khan hiếm.
Những lời hứa hẹn về khoản lợi nhuận khổng lồ đã thu hút các nhà đầu tư. Những nhà máy sản xuất thiết bị y tế "mọc lên như nấm". Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 70.802 các doanh nghiệp mới đăng ký sản xuất và xuất khẩu khẩu trang tại Trung Quốc, tăng gần 1.300 lần so với một năm trước đây.
Nhân viên làm việc tại một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Những tưởng đây sẽ là một hướng đầu tư lâu dài, tuy nhiên xu hướng sản xuất mới nổi này đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Khoảng một nửa nhà máy sản xuất khẩu trang trong khu vực này bị đóng cửa, chủ yếu là các nhà máy mọc lên theo trào lưu nhưng lại bị cáo buộc sản xuất sản phẩm không đạt chất lượng.
Trên thực tế, nhu cầu của thị trường cho mặt hàng khẩu trang vẫn có. Giới chức Trung Quốc cũng đang tìm cách thu hẹp khoảng cách về chất lượng sản phẩm y tế qua việc kiểm định nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất khẩu khẩu trang và cấp phép bán hàng, sau khi đối mặt với khiếu nại về chất lượng các sản phẩm y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!