Bản kế hoạch 5 năm lần này đặt nền móng cho tham vọng biến Trung Quốc thành quốc gia sản xuất chất lượng cao hàng đầu, đồng thời là một cường quốc kỹ thuật số.
"Nếu một đất nước bước vào cuộc đàm phán thương mại mà lại phụ thuộc vào quốc gia khác thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi sau tất cả sự kiện gần đây như cuộc chiến thương mại với Mỹ, giờ đây Chính phủ Trung Quốc muốn tự lực cánh sinh trong lĩnh vực công nghệ", ông Stephen Perry, Chủ tịch của 48 Group Club, nhận định.
Năm nay, Trung Quốc đã nhảy vọt lên vị trí thứ 14 trong chỉ số đổi mới toàn cầu, một bước tiến lớn từ vị trí 29 vào năm 2015.
Bản kế hoạch 5 năm đặt nền móng cho tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc kỹ thuật số. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Nhờ những mục tiêu cụ thể trong các kế hoạch 5 năm, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về công nghệ. Đây là nơi sở hữu tới 40% số đơn xin cấp bằng sáng chế trên thế giới, nhiều gấp đôi của Mỹ và gấp 4 lần Nhật Bản. Số lượng nhân tài về khoa học và công nghệ của Trung Quốc cũng liên tục tăng qua các năm. Vào năm 2019, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển của nước này chiếm hơn ¼ tổng số chuyên gia toàn cầu.
Sự phát triển công nghệ đi lên như "diều gặp gió" là nhờ sự mạnh tay đầu tư của Chính phủ. Năm 2019, Trung Quốc đã chi 2,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (330 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển. Con số này tương đương 2,2% GDP.
Trong khi đó, Mỹ đã chi 2,8% GDP, còn các nước khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD chi trung bình khoảng 2,3% GDP cho nghiên cứu và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!