Trung Quốc tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng với Mỹ và châu Âu

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 29/06/2018 15:08 GMT+7

VTV.vn - Trong một báo cáo mới đây, Bắc Kinh đã nỗ lực bảo vệ các hoạt động thương mại của họ và cho rằng chúng mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc họp báo công bố báo cáo mang tên "Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen đã đưa ra nhận định rằng kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001 tới nay, tăng trưởng của Trung Quốc đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho các đối tác thương mại trên toàn thế giới. Ông đã đưa ra ví dụ về việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc, từ 26 tỷ USD hồi năm 2001 lên gần 150 tỷ USD vào năm 2017, đưa Trung Quốc từ thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 lên vị trí thứ ba của Mỹ trong cùng giai đoạn trên.

Báo cáo cũng cho biết, Trung Quốc đã nỗ lực tuân thủ chặt chẽ và duy trì các quy tắc của WTO, đồng thời hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương lấy WTO là trung tâm. Kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã tiến hành xem xét và sửa đổi các luật và quy định có liên quan thương mại, đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở cấp chính quyền trung ương và địa phương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cắt giảm đáng kể thuế nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan nhằm thực hiện các cam kết về thương mại hàng hóa.

Trong báo cáo, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra thêm nhiều cam kết cắt giảm thuế quan và mở cửa nhiều ngành công nghiệp hơn nữa cho hoạt động đầu tư. Báo cáo cũng đưa ra dự báo rằng trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 8.000 tỷ USD từ Mỹ và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đạt 600 tỷ USD.

Tuy nhiên theo giới quan sát, bất chấp những số liệu khá lạc quan, báo cáo này chưa đưa ra hướng giải quyết cho các khiếu nại về việc Bắc Kinh ngăn chặn các công ty nước ngoài tiếp cận những ngành công nghiệp nhiều tiềm năng, cũng như việc chính phủ nước này đang có kế hoạch phát triển những "người khổng lồ" trong ngành công nghệ của riêng họ - điều vốn được cho là vi phạm các quy tắc tự do thương mại.

Mỹ và các đối tác thương mại khác cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao đồng nghĩa với việc nước này không còn đủ điều kiện để hưởng những biện pháp bảo vệ như một nước đang phát triển khi gia nhập WTO.

Trong tuần này, Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) thông báo hai bên sẽ thành lập một nhóm làm việc chung trong việc hiện đại hóa các luật lệ quy định của WTO để theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Một quan chức cấp cao của EU cho biết châu Âu muốn tập trung vào chính sách công nghệ, trợ cấp và tình trạng pháp lý của các công ty nhà nước. Đây đều là những các vấn đề mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với các nước khác.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước