Bản đồ phát triển đất nông nghiệp của Trung Quốc trên toàn cầu được đăng tải trên Bloomberg.
Đối mặt với tình trạng đất canh tác đang bị thu hẹp do phải dành đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và dân số không ngừng tăng cao, hiện tăng tới gần 1,4 tỷ người, Chính phủ Trung Quốc đã và đang ra sức tìm kiếm, thâu tóm và đầu tư vào đất nông nghiệp khắp thế giới.
Tấm bản đồ thể hiện rõ nét nhất chiếc "vòi bạch tuộc" mà Trung Quốc đang vươn ra để đầu tư và mua lại đất phát triển nông nghiệp được tờ Bloomberg trích dẫn từ Tổ chức nghiên cứu chiến lược độc lập Heritage Foundation có trụ sở tại Mỹ.
Trang tin này cho rằng chiến lược "xâm chiếm" đất nông nghiệp mà Bắc Kinh thực hiện khá thầm lặng đã kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ qua. Quốc gia mới nhất mà nước này tiến tới thâu tóm trong lĩnh vực nông nghiệp là Mozambique. Một doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ ra 250 triệu USD để có được 20.000 ha mặt bằng đất nông nghiệp cũng như đầu tư hệ thống tưới tiêu và máy móc để trồng lúa và ngô.
Theo số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, các công ty Đại lục đã chi gần 52 tỷ USD cho các hợp đồng nông nghiệp ở nước ngoài từ năm 2005.
Trang The Weekend Australia thậm chí còn phát hiện ra sự thật khá bất ngờ. Đó là các công ty Trung Quốc không còn cái thời ồ ạt tới những quốc gia nghèo để thuê hay mua đất nông nghiệp mà chiến lược mới của họ đang dần chuyển sang những nước thuộc hàng phát triển của thế giới.
Trong 17 hợp đồng nông nghiệp được Trung Quốc thực hiện 2 năm qua, chỉ có 2 hợp đồng ở các nước đang phát triển là Campuchia và Brazil. Trong khi đó, có tới 6 hợp đồng ở Australia.
Lo sợ trước vấn đề này, chính phủ xứ Kangaroo cũng đã liên tục bác bỏ đề xuất mua lại toàn bộ trang trại của một trong những nhà sản xuất thịt bò lớn nhất Australia S. Kidman. Diện tích trang trại này còn lớn hơn cả đất nước Hàn Quốc.
Tờ Bloomberg kết luận, với dân số và sự giàu có không ngừng gia tăng, sự xâm nhập toàn cầu của Trung Quốc vào các hoạt động kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm có thể sẽ còn tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới. Dường như cuộc xâm chiếm này của Trung Quốc mới đang chỉ là sự bắt đầu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!