Từ xa xưa, vàng luôn được coi là tài sản tiết kiệm và là công cụ bảo hiểm an toàn nhất đối với người nghèo ở Ấn Độ. (Ảnh: Getty)
Đem cả vàng gia truyền, của hồi môn đi cầm cố…
Theo Wall Street Journal, trong khi giới đầu tư trên toàn cầu đổ xô tích trữ vàng giữa cơn suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, thì tại Ấn Độ, nơi người dân có thói quen giữ vàng, tình hình hoàn toàn đối lập.
Trong nhiều tháng vừa qua, tại nước này, các hộ gia đình buộc phải "cầm nước mắt" có người đem cả vàng gia truyền đi bán hoặc cầm cố để vay no khi sắp phải vào bước đường cùng do đại dịch COVID-19.
Hồi tháng 7, Jasmine Nair, sống tại Delhi, bán số vàng tích trữ của gia đình, gồm chiếc lắc tay được mẹ tặng làm của hồi môn khi cưới. Lúc đó, gia đình Nair đã cạn tiền mặt, trong khi phải chi tiền xây dựng ngôi nhà mới.
"Tôi chẳng nghĩ ra được cách nào khác để có thể xoay tiền nhanh được. Đến giờ thì vàng vẫn là niềm hy vọng cuối cùng", cô nói khi giải thích việc vay nợ ngân hàng trở nên rất khó khăn trong tình hình dịch bệnh.
Bên ngoài một tiệm vàng ở Delhi, Asha Goel và chị gái xếp hàng chờ tới lượt bán số vòng tay vàng được mẹ cho làm của hồi môn hơn 20 năm trước. Họ cần tiền để trang trải sinh hoạt của gia đình và trả học phí cho các con bởi dịch bệnh khiến họ mất phần lớn thu nhập.
"Mẹ đã mua cho chúng tôi số trang sức này khi giá vàng rẻ hơn bây giờ rất nhiều. Giờ đây, chúng tôi cần giữ tiền mặt trong nhà vì tương lai đầy bất ổn phía trước", Goel chia sẻ.
Giá vàng tăng sốc, người dân lại "tăng bán, giảm mua"
Từ xa xưa, vàng luôn được coi là tài sản tiết kiệm và là công cụ bảo hiểm an toàn nhất đối với người nghèo ở Ấn Độ. Khi họ cần tiền, vàng cung cấp khả năng thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. (Ảnh: Getty)
Vài tháng qua, các công ty cho vay thế chấp tại Ấn Độ thường xuyên chứng kiến cảnh người dân xếp hàng chờ cầm cố vàng. Padmavati Haripuri, quản lý một chi nhánh của Muthoot Finance, công ty cho vay thế chấp vàng ở Hyderabad, cho biết: "Một số người cần vay tiền để trả học phí cho con và thanh toán chi phí y tế. Một số khác cần vay tiền vì họ không còn thu nhập".
Theo ông B. Govindan, chủ một chuỗi tiệm vàng, cho biết hoạt động kinh doanh của ông đã giảm 50% so với trước đại dịch và cứ năm khách đến các tiệm vàng của ông, có một khách bán trang sức.
Nhận thấy vay thế chấp vàng là phương thức quan trọng để người dân tiếp cận tài chính, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) hồi tháng 8 đã nâng hạn mức tín dụng cho vay lên tới 90% giá trị vàng, thay vì 75% như trước đây.
Thu nhập của các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Ấn Độ sụt giảm mạnh, họ cũng không thể vay nợ từ các ngân hàng bởi nhà băng thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. GDP quý II của nước này ghi nhận mức giảm kỷ lục 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu vàng chạm đáy
Một cửa hàng thu mua vàng tại New Delhi. (Ảnh: Getty)
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu mua vàng và trang sức tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, giảm đến 74% trong quí 2, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Mức giảm này tương đương 124 tấn vàng trang sức, bằng mức tiêu thụ vàng trang sức của Mỹ trong một năm.
Các nhà phân tích cho biết lệnh phong tỏa trên toàn quốc và nỗi lo về đại dịch khiến người Ấn Độ ít lui tới các cửa hàng trang sức và hạn chế tổ chức đám cưới trong khi đây chính là hai nguồn tiêu thụ vàng chính tại nước này.
Ấn Độ là quốc gia có lượng vàng trang sức lớn nhất thế giới với 25.000 tấn. Với người Ấn Độ, vàng trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn là công cụ quan trọng để tích trữ của cải. Vàng cũng là thứ cuối cùng mà các gia đình Ấn Độ cân nhắc bán khi gặp khó khăn.
Xu hướng cầm cố vàng để vay nợ cho thấy nhiều người dân nước này đang bị dồn vào bước đường cùng. Theo các nhà kinh tế, đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu người dân Ấn Độ trở lại cảnh nghèo đói.
Tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường vàng trang sức Ấn Độ thể hiện qua giá vàng tại Ấn Độ, đang thấp hơn đáng kể so với giá trên thị trường quốc tế. Giá vàng ở Ấn Độ có lúc thấp hơn 70 USD/ounce so với giá chuẩn quốc tế.
Trên thế giới, các nhà đầu tư đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục trong năm nay khi liên tục mua vào vàng xu, vàng thỏi hoặc rót tiền vào các quỹ hoán đổi danh mục vàng. Họ coi vàng là tài sản trú ẩn an toàn trước cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng như những rủi ro địa chính trị, trong đó có căng thẳng Mỹ - Trung và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!