Nhiều ý kiến cho rằng tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. (Ảnh: Bloomberg)
Theo các chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương các nước trên toàn thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua, do những biến động trong tỷ giá và chính sách của ngân hàng trung ương các nước.
IMF cho biết tỷ trọng của đồng USD do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nắm giữ đã giảm xuống 59% trong quý IV/2020, mức thấp nhất trong 25 năm qua và giảm 12 điểm phần trăm so với thời điểm đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Tỷ trọng của các đồng tiền khác, bao gồm Đô la Australia (AUD), Đô la Canada (CAD) và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đã tăng lên 9% trong quý IV/2020.
Theo các chuyên gia, việc giá trị đồng USD nhìn chung không biến động nhiều, nhưng tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm xuống cho thấy ngân hàng trung ương các nước đang dần chuyển hướng khỏi đồng tiền này.
Cũng theo các chuyên gia của IMF, khoảng 80% sự thay đổi ngắn hạn trong tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu kể từ năm 1999 là do sự biến động tỷ giá và 20% còn lại chủ yếu là do các quyết định mua và bán chủ động của ngân hàng trung ương các nước để hỗ trợ cho nội tệ.
Nhiều ý kiến cho rằng tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu sẽ tiếp tục giảm, khi ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang cố gắng đa dạng hóa hơn thành phần tiền tệ trong dự trữ ngoại hối của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!