Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá căn hộ tăng cao, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cũng được coi là giải pháp để điều tiết thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần sự quan tâm, tháo gỡ của các địa phương đối với các dự án nhà ở xã hội.
Một khu đất được đánh giá là vị trí đất vàng, trung tâm của thành phố Hải Phòng nhưng đang được bố trí để xây dựng nhà ở xã hội. Hải Phòng hiện có 9 dự án nhà ở xã hội được bố trí tại vị trí trung tâm hoặc sát với các khu công nghiệp, trường học bệnh viện để người dân có thể tiện lợi trong sinh hoạt.
Trong giai đoạn 2021-2030, Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng 42.000 căn nhà ở xã hội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Hiện nhiều địa phương trong cả nước cũng đang rất quan tâm đến việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội. Theo các chuyên gia bất động sản, hiện nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được ban hành đã rõ ràng hơn trước đây, doanh nghiệp được hưởng 10% lợi nhuận sau khi được tính đúng tính đủ các chi phí, nên nếu thủ tục hành chính được rút ngắn sẽ tiết kiệm được chi phí thực hiện dự án, giúp giảm giá thành nhà ở xã hội.
"Các luật đã tháo gỡ và hủy bỏ nhiều quy trình không cần thiết, mâu thuẫn, phức tạp, chồng chéo… có thể rút ngắn xuống còn một nửa hoặc 1/3, rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn", ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước mới chỉ có 8 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 3.136 căn. Trong đó vẫn còn có những địa phương vẫn chậm trễ và không tích cực quan tâm tới lĩnh vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!