Tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, hiện giá vải sớm giao động từ 18.000 - 36.000 đồng/kg tùy từng loại sản phẩm. Có thời điểm cao nhất, giá vải lên tới 180.000 đồng/kg.
Ngâm nước đá, cắt cuống, làm sạch lá, vải được đóng thùng xốp với đá lạnh. Mỗi ngày, một điểm cân tại phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn chuyển hàng chục tấn vải tươi đi vào khắp các tỉnh phía Nam. Theo chị Chi (phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), vải đầu mùa năm nay chất lượng tốt, không bị sâu đầu, giá bán có lúc tăng gấp đôi mọi năm. Nguyên nhân do lượng vải năm nay chín muộn hơn, trong khi nhu cầu tiêu thụ vải tăng lên.
Nhà bà Nghi (Xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) có 1 ha trồng vải, với giá bán 30.000 đồng/kg, cao hơn 10 giá so với với năm 2021. Với giá bán này, theo bà người nông dân mới có lãi vì chi phí đầu vào năm nay tăng cao hơn năm 2021.
Chăm sóc vải chín sớm xuất Nhật tại 1 hộ gia đình ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên( Bắc Giang). (Ảnh: TTXVN)
"Giá vào cứ đầu 3 trở lên chúng tôi rất mừng, các cháu đi bán cũng không quản vất vả", bà Đào Thị Nghi chia sẻ.
Một điểm tích cực của năm nay là diện tích vải GlobalGAP và VietGAP tăng cao, khi chất lượng đảm bảo, giá trị sản phẩm cũng từ đó tăng theo. Việc vải thiều những năm qua xuất khẩu vào thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU cũng đã giúp thương hiệu vải thiều được biết đến nhiều hơn, và việc tiêu thụ trong nước từ đó cũng thuận lợi hơn.
Hiện nay, tính chung cả 2 tỉnh Bắc Giang, và Hải Dương, nơi tập trung phần lớn diện tích vải của cả nước, sản lượng vải đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP 113.000 tấn, trong khi dự kiến sản lượng vải năm nay khoảng 240.000 tấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!