Vẫn còn 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%

P.V-Thứ sáu, ngày 10/11/2023 15:51 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân của cả nước ước 10 tháng chưa có sự đột phá vì nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân chưa cao, thậm chí dưới 10%.

Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2023 của cả nước trên 401.863 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch và đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tỷ lệ giải ngân của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.478 tỷ đồng, đạt trên 58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt kết quả tích cực và có khả năng hoàn thành sớm kế hoạch giải ngân năm 2023 như: Ngân hàng Nhà nước (79%); Bộ Giao thông vận tải (67%); tỉnh Thừa Thiên Huế (92,2%); tỉnh Đồng Tháp (87,9%); tỉnh Tiền Giang (82,7%); tỉnh Vĩnh Phúc (80,7%), hiện vẫn còn 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 10% và 4 địa phương giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn được giao.

Vẫn còn 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân vốn đầu tư công dưới 10% - Ảnh 1.

Tỷ lệ giải ngân của cả nước ước 10 tháng chưa có sự đột phá. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Bộ Tài chính cho biết, với tình hình thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như hiện nay thì mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% rất khó có thể thực hiện được.

Theo Bộ Tài chính vẫn còn nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân trong cả nước như: vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cần có hướng xử lý trong chuyển đổi đất rừng, đất lúa, khai thác khoáng sản; các vướng mắc trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Một nguyên nhân nữa là một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm. Các vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công…

Bộ Tài chính cũng cho biết, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, khoảng 13.000 tỷ đồng, chiếm 2% kế hoạch nên đến thời điểm báo cáo chưa thể giải ngân. Một số dự án đã phân bổ nhưng chưa giải ngân; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị cắt giảm do không có khả năng giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

'Nước rút' giải ngân vốn đầu tư công cuối năm "Nước rút" giải ngân vốn đầu tư công cuối năm

VTV.vn - Các Bộ ngành, địa phương phải thực sự quyết liệt ở giai đoạn "nước rút" cuối năm để bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước