Vẫn còn "rào cản" trong triển khai Chính phủ điện tử

Chinh Vũ - Văn Cường (Ảnh: Dân trí)-Thứ sáu, ngày 18/09/2020 07:04 GMT+7

VTV.vn - Dù đạt được những tín hiệu tích cực nhưng tình trạng chậm cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính quyền số vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, Bộ, ngành.

Các giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 vừa qua vô hình trung đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Không chỉ mảng kinh doanh về chuyển đổi số của doanh nghiệp tăng trưởng đột biến, mà tiến trình phát triển Chính phủ điện tử cũng ghi nhận những kết quả khả quan.

Những nội dung trên đã được tập trung bàn luận tại Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về Chính phủ Điện tử (Vietnam E-Gorvernment 2020) do Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP.HCM chủ trì, diễn ra ngày 17/9 tại TP.HCM.

Tín hiệu tích cực về phát triển Chính phủ điện tử

Chỉ qua 9 tháng đi vào vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia hiện đã cung cấp gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến, tương ứng 17% trong số gần 6.850 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Hệ thống thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công này cũng được triển khai từ tháng 3, đến nay có hơn 80% số ngân hàng trên thị trường đã kết nối, thực hiện khoảng 13.600 giao dịch thanh toán.

Những con số trên được đại diện Văn phòng Chính phủ dẫn chứng tại hội thảo cho thấy tín hiệu tích cực về phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Một số địa phương cũng đã nổi lên như điểm sáng về xây dựng chính quyền điện tử.

"Chúng tôi triển khai chính quyền điện tử theo hướng xây dựng những phần mềm dùng chung và dữ liệu tập trung. Đến nay ứng dụng của chúng tôi đã có khoảng 135.000 người cài đặt và tương tác", ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.

Vẫn còn rào cản trong triển khai Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Đã có nhiều tín hiệu tích cực về phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Ông Steven Furst - chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho biết: "Tôi thấy đã có nhiều tiến triển về chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Chẳng hạn Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có dự thảo phát triển Chính phủ số - điều tôi nghĩ cộng đồng doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu".

Giữa thời điểm căng thẳng vì đại dịch, một nhóm doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam trong các lĩnh vực mới như gọi xe công nghệ, thương mại điện tử, thanh toán số... tiếp tục đạt tăng trưởng và nâng định giá lên đến hàng trăm triệu USD. Lớp doanh nghiệp này được đánh giá sẽ có vai trò không thể thiếu trong xây dựng chính phủ điện tử, bởi khả năng đóng góp được các dữ liệu mở.

Vẫn còn nhiều thách thức

Dù vậy tình trạng chậm cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính quyền số vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, Bộ ngành. Thực tế, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên toàn quốc hiện cũng chỉ đạt chưa đến 20%.

"Mỗi Bộ, ban ngành, mỗi tỉnh, thậm chí trong mỗi Bộ có Cục, trong tỉnh có các Sở đều tự mua vài server, vài hệ thống lưu trữ nên bị phân mảnh. Có một nền tảng hạ tầng tạo ra bước đệm để triển khai dịch vụ chúng ta không có, dẫn đến câu chuyện việc lãng phí", ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel nói.

Vẫn còn rào cản trong triển khai Chính phủ điện tử - Ảnh 2.

Tình trạng chậm cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính quyền số vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, Bộ, ngành. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một thách thức lớn khác là hiện nay mức chi đầu tư cho chuyển đổi số tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm từ 0,3 - 0,5% so với GDP. Trong khi mức đầu tư trung bình trên thế giới phải gấp ít nhất 3 lần như thế. Điều này nếu không cải thiện sẽ tạo rào cản lớn cho chuyển đối số quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước