Trong khi đó, những khu đất đó có khi mới đang là đất vườn, đất trông cây lâu năm, thậm chí là đất đã có quy hoạch làm viện dưỡng lão.
Khu dân cư Adoland Capital 1 tại Quốc Oai, Khu dân cư Tiến Xuân tại Thạch Thất, Khu dân cư Golden Lake tại Sơn Tây... - hàng loạt cái tên được chào bán rầm rộ trên các trang tin nhà đất, với giá rẻ chỉ bằng một nửa, hoặc 2/3 so với dự án bất động sản đã được cấp phép bài bản trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, với giá tiền đó, người mua sẽ không có hợp đồng mua bán, mà chỉ là các văn bản thỏa thuận, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng cam kết hạ tầng.
Chính quyền địa phương tại các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây đều khẳng định trên địa bàn không có các dự án bất động sản nào có tên gọi như vậy. Nhiều khu đất hiện vẫn chỉ là đất vườn, đất trồng cây lâu năm.
Theo các nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm trên thị trường, các dự án tự phân lô nền đều được lập tại những khu vực đang phát triển. Các lô đất này lại có diện tích và mức giá vừa phải, chỉ vài trăm triệu đồng. Các nhà đầu tư không phải bỏ ra một lượng vốn quá lớn, trong khi đó vẫn có thể mua đi bán lại, lướt sóng kiếm lời.
Trên thực tế, cũng có một bộ phận khách hàng thật sự không hiểu rõ quy định pháp luật về bất động sản. Khi cầm một bảng quy hoạch phân lô nền, có tên công ty đàng hoàng, cùng với các bản vẽ đẹp long lanh, khách hàng dễ lầm tưởng đây là một dự án bất động sản thông thường.
Các chuyên gia phân tích, có thể mục đích của các công ty trên là huy động vốn trước của người dân, sau đó gom tiền để tìm cách làm thủ tục chuyển đổi những khu đất vườn, đất trồng cây lâu năm thành đất ở. Thế nhưng, nếu việc chuyển đổi không thành, công ty không giữ đúng thỏa thuận, thì ai sẽ là người cam kết đảm bảo quyền lợi của các khách hàng. Bởi theo phân tích của các luật sư, hình thức văn bản thỏa thuận nộp tiền chỉ là giao dịch dân sự giữ hai bên, lời thì ăn, lỗ thì đành chịu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!