Sau hơn 1 tháng Cục Hải quan TP.HCM gửi công văn đến 30 hãng tàu, yêu cầu tái xuất hơn 1.000 container phế liệu không đạt chất lượng, tồn đọng ở cảng Cát Lái nhiều năm, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 15 hãng tàu liên hệ với lực lượng chức năng bàn về phương án xử lý.
15 hãng tàu này đã đưa ra phương án xử lý cho 484 container, chiếm tỷ lệ gần 45%, trong đó đề nghị tiêu hủy 89 container, số còn lại sẽ đưa tái xuất. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất đều do các hàng tàu chi trả.
Trường hợp 15 hãng tàu còn lại hiện chưa có thông tin phản hồi, Cục Hải quan TP.HCM sẽ báo cáo lên Tổng cục Hải quan để có hướng xử lý nhanh chóng, dứt điểm.
Về nguyên nhân vì sao lượng container phế liệu nhập khẩu không đủ điều kiện tồn đọng từ năm 2018 đến nay mới đưa ra phương án xử lý, lực lượng chức năng cho biết phần lớn là do việc thay đổi, siết chặt nhiều quy định pháp luật.
Việc xử lý những container phế liệu đang được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, nhanh chóng. (Ảnh minh họa: NLĐ)
"Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành nhiều quy định mới về thủ tục cấp phép, nhập khẩu phế liệu, các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thấy không đáp ứng được nên họ bỏ hàng", ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, cho biết.
Trong tổng số hơn 1.000 container được yêu cầu tái xuất đợt này, có khoảng 30% là chất thải gây hại cho môi trường. Vì vậy, việc xử lý những container này đang được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, nhanh chóng, tuy nhiên để tránh tình trạng nhập khẩu, tồn đọng lượng lớn container như thế này trong tương lai, cần thiết có những chế tài nghiêm khắc hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!