Vì sao ngư dân chưa mạnh dạn vay vốn theo Nghị định 67?

Tấn Quýnh (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 12/09/2016 10:44 GMT+7

VTV.vn - Các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã kịp thời được tháo gỡ nhưng sau 2 năm, kết quả triển khai tại nhiều địa phương đã không như mong đợi.

Tại tỉnh Phú Yên, một trong các tỉnh miền Trung có thế mạnh về khai thác xa bờ, tuy nhiên, rất ít ngư dân đăng ký tham gia vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67.

8 tàu cá được đóng mới bằng nguồn vốn vay theo Nghị định 67 tính đến thời điểm này ở tỉnh Phú Yên, thực sự là con số rất thấp bởi theo chỉ tiêu mà Bộ NN&PTNT đã phân bổ cho tỉnh Phú Yên khi triển khai Nghị định 67, tổng số tàu khai thác được đóng mới là 170 chiếc. Riêng tàu dịch vụ hậu cần, kế hoạch phân bổ là 15 chiếc nhưng đến lúc này, không ngư dân nào ở Phú Yên tham gia thực hiện.

Thị xã Sông Cầu là nơi có nhiều làng biển lâu đời ở tỉnh Phú Yên nhưng chỉ có một ngư dân là ông Ngô Văn Lanh vay 14 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép.

Theo ông Lanh, ngư dân địa phương chuyên làm nghề giã cào ở tuyến lộng. Tàu cá của họ chiếc nào cao lắm cũng chỉ 2,5 tỷ đồng nên khi nói đến tàu vỏ thép 16, 17 tỷ đồng ai cũng ngại. Bên cạnh đó, tàu lớn kèm theo nhu cầu lao động lớn.

Trong khi đó, đa phần ngư dân đều thiếu vốn đối ứng. Bởi theo quy định, vốn đối ứng với tàu vỏ thép là 5%, tàu vỏ gỗ là 30%. Nếu tính trên trị giá bình quân, vốn đối ứng mà ngư dân phải có khoảng 1 tỷ đồng đối với tàu cá vỏ thép và 3 tỷ đồng đối với tàu vỏ gỗ.

Không để kéo dài những vướng mắc, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thường xuyên tổ chức đối thoại với ngư dân. Trước mắt, để tháo gỡ việc ngư dân thiếu vốn đối ứng, phía ngân hàng đã đưa ra những giải pháp linh hoạt.

Nhiều ngư dân cho rằng những vướng mắc thuộc về thủ tục thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn là điều dễ tháo gỡ. Nhưng vướng mắc có tính căn cơ là làm sao thay đổi tâm lý e ngại tham gia Nghị định 67 trong ngư dân không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Đối với ngư dân, vay vốn đóng tàu cá công suất lớn chỉ mới là yếu tố bắt đầu. Điều quan tâm lớn hơn là sau khi đóng mới tàu cá, việc khai thác khối tài sản hàng chục tỷ đồng này như thế nào để trả nợ gốc và lãi?

Tính đến tháng 3/2016, đã có 27/28 tỉnh thành phố ven biển duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với trên 1.200 tàu đóng mới và trên 230 tàu nâng cấp, trong đó, gần 150 tàu đã đi vào hoạt động. Con số này còn thấp so với dự kiến và tâm lý e ngại của ngư dân ở Phú Yên cũng là tâm lý của nhiều ngư dân ở các vùng khác.

Giáo sư Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng ngư dân chưa mặn với Nghị định 67 là bởi quá trình triển khai, cơ chế còn vòng vèo, chưa làm rõ hiệu quả của việc ra biển và từng loại tàu. Hơn nữa, tài nguyên thủy sản của Việt Nam đã hạn chế, trữ lượng cá giảm 16% so với năm 2010 trở về trước nên cần phải có mô hình ra biển mới để đạt hiệu quả khai thác tốt hơn.

Bình Định: Chỉ có 20 tàu cá đóng theo Nghị định 67 được giải ngân vốn Bình Định: Chỉ có 20 tàu cá đóng theo Nghị định 67 được giải ngân vốn

VTV.vn - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, chỉ có 41 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn với các ngân hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước