Hùng là sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Hùng đang cố gắng kiểm tiền để trả nợ do lỡ vay 20 triệu đồng tại một tiệm cầm đồ, sau một thời gian cả gốc lẫn lãi đã lên hơn 50 triệu đồng.
"Lãi mẹ đẻ lãi con, mình không đủ khả năng trả nợ nữa. Họ cử xã hội đen đến tận nhà, nếu không trả được thì bắt buộc mình phải nghỉ học" - Hùng cho biết.
Với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày thì với 50 triệu đồng, mỗi tháng, sinh viên này cũng phải trả riêng tiền lãi là gần 8 triệu đồng.
Chỉ đoạn đường vài km từ ngã tư Xuân Thủy, Cầu Giấy đến đại Học Công nghiệp Hà Nội đã có hơn 70 cửa hàng cho vay tiền bằng thẻ sinh viên với lãi suất cao gấp hàng chục lần trần lãi suất Nhà nước quy định. Chưa nói số tiền này sẽ tăng lên gấp đôi nếu không trả đúng hạn, nguy cơ ảnh hướng đến khả năng trả nợ, sinh hoạt và học tập. Nhưng những cửa hàng này cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều sinh viên mỗi khi gặp khó khăn về tài chính.
Tại các khu công nghiệp, tờ rơi quảng cáo cho vay tiền cũng được dán dày đặc. Một số đối tượng cho vay còn giả danh là nhân viên của các ngân hàng uy tín để tiếp cận những công nhân đang cần tiền.
Thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, không cần thế chấp… là những miếng mồi của tội phạm tín dụng đen đưa ra dụ dỗ những người cần tiền. Thực tế khi cầm tiền, những người vay sẽ phải chịu mức lãi suất 365%/năm cùng với những khoản phí vô lý không được ghi trong hợp đồng.
Các luật sư cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các địa phương đã cấp phép cho một số công ty lấy tên gọi là "công ty tài chính" nhưng bản chất các công ty này không hề được phép hoạt động tín dụng. Cũng theo luật sư, đứng sau một số công ty là những đối tượng cộm cán, sẵn sàng dùng luật giang hồ để điều hành các đường dây tín dụng đen.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!