Từ tháng 2 đến tháng 5/2014, kim ngạch xuất khẩu của Chile sang Việt Nam đạt mức 149 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam là 126 triệu USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2013. Con số này cho thấy, khi Hiệp định FTA Việt Nam - Chile đi vào hiệu lực, xuất khẩu ròng giữa hai bên gần như trở nên cân bằng, trong khi những năm trước, thặng dư thương mại có phần lợi cho Chile.
Lý giải vấn đề này, các đại diện từ phía Chile cho rằng, FTA giữa hai nước đã giúp đưa mặt hàng của Việt Nam tiếp cận thị trường nước này nhiều hơn; đồng thời khẳng định hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Chile là mối quan hệ tương hỗ, thay vì cạnh tranh trực tiếp như các nước trong cùng khu vực. Ví như cùng có thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, Chile xuất khẩu chủ lực cá hồi, trong khi đó, cá ba sa mới là mặt hàng đặc trưng của Việt Nam.
Ông Jaime Rivera, Điều phối viên thương mại thị trường ASEAN, Cơ quan xúc tiến thương mại Chile cho biết: “Chúng tôi có các sản phẩm mà các bạn cần và ngược lại, chúng tôi cũng mong muốn nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của các bạn như các sản phẩm dịch vụ ăn uống, may mặc, da giày… Điều này cho thấy những cơ hội lớn trong trao đổi thương mại giữa hai bên”.
Hiện 20 nhóm mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Chile có thuế từ 6% đã giảm ngay về 0%, như: đồ gỗ, nhựa gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, dệt may, cà phê... Giảm thuế giúp hàng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn, đồng thời tăng thu hút FDI vào Việt Nam sản xuất và xuất hàng sang Chile.
Ông Ngô Văn Phong, Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận xét: “Trước đây khi Trung Quốc, Malaysia có FTA với Chile thì hàng hóa của Việt Nam rất khó cạnh tranh ở thị trường này, vì chúng ta không được cạnh tranh bình đẳng, bị đánh thuế cao. Xu hướng người tiêu dùng muốn thay đổi và hàng hóa của Việt Nam đã ngay lập tức được người Chile đón nhận”.
Sau khi ký kết FTA với Chile - nền kinh tế mở, phát triển bậc nhất tại Mỹ Latin, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tận dụng mạng lưới các quốc gia Nam Mỹ cũng đã có FTA với nước này. Đây giống như một bàn đạp giúp mở rộng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tới các thị trường lớn tại Mỹ Latin.
Ông Ngô Văn Phong cũng cho rằng: “Qua Chile và các doanh nghiệp của Chile, hàng hóa của Việt Nam đã vào tới thị trường Peru, Brazil nhờ hệ thống phân phối của Chile. Chúng tôi hy vọng qua cửa ngõ Chile, hàng Việt Nam sẽ xâm nhập được vào các thị trường tại Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil”.
Chile hiện là một trong hai nước Việt Nam đã có FTA song phương, bên cạnh Nhật Bản. Theo thỏa thuận, sau khi dỡ bỏ thuế quan cho các sản phẩm hàng hóa, hai bên sẽ tiến tới những ưu đãi trong dịch vụ và đầu tư trong vòng 3 năm tới. Các chuyên gia nhận định, ưu điểm của thị trường Mỹ Latin là chưa đòi hỏi cao và không khó tính như thị trường châu Âu. Mở rộng được thị trường xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp sẽ có sự lựa chọn phù hợp và giảm rủi ro, giảm lệ thuộc vào các thị trường truyền thống.