Việt Nam chủ động tham gia cách mạng 4.0

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 04/10/2019 07:10 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đã chủ động tìm được cách tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.

Sáng 3/10, phiên toàn thể diễn đàn Cách mạng Công nghiệp 4.0 với chủ đề "Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4" đã chính thức diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham dự của hơn 4.000 quan khách đại diện các cơ quan Đảng và Nhà nước, cùng các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Như chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 52 tập hợp sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị để thực thi một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vô cùng lớn lao đối với vận mệnh dân tộc. Đây cũng là tinh thần, là tâm thế chung được ghi nhận tại sự kiện này.

Việt Nam hiện có chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 42 thế giới, dù thu nhập trung bình mới xếp thứ 120. Chỉ trong năm qua, tỷ lệ thanh toán di động tăng thêm 155% về giá trị. Chỉ số an toàn an ninh thông tin tăng tới 50 bậc, từ thứ hạng 100 lên thứ hạng 50 trên thế giới. Ngay trong ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Sự quyết tâm chính trị càng đóng vai trò then chốt bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Đây cũng là nhận định đáng chú ý được các nhà lãnh đạo nhắc đi nhắc lại tại sự kiện. Trước tiên là hoàn thiện những khung pháp lý liên quan tới chính phủ điện tử hay đô thị thông minh.

Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, đã qua giai đoạn trăm hoa đua nở, muốn Chính phủ điện tử và đô thị thông minh kết nối hiệu quả cần thể hiện rõ những vai trò số 1. Trước tiên là vai trò số 1 trong chỉ đạo, chính là Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử và vai trò số 1 trong điều hành được Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quan trọng hơn cả về thể chế là những cơ chế thí điểm, bởi những mô hình mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có xu hướng phá hủy cái cũ. Một cơ chế thí điểm phù hợp cũng là mong mỏi từ các doanh nghiệp. 

Grab đã đánh giá cao nỗ lực thí điểm mô hình kinh tế chia sẻ nhưng cũng có những băn khoăn từ hãng xe công nghệ Be về thời gian thí điểm kéo dài, tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng. Hay như đại diện Viettel đề xuất cơ chế ưu tiên để những doanh nghiệp lớn, đủ nguồn lực có thể được cắt giảm thủ tục, tạo cơ chế đầu tư mạo hiểm, để sớm mạnh dạn triển khai các nền tảng viễn thông phù hợp. 

Tất cả những mong mỏi của doanh nghiệp đã được lãnh đạo Đảng và Chính phủ thẳng thắn ghi nhận để đưa ra những nguyên tắc thí điểm có kiểm soát phù hợp nhất. Quyết tâm thể chế cùng với công nghệ đã sẵn sàng thế nhưng vẫn còn một mảnh ghép còn thiếu.

"Các đồng chí nói công nghệ rất quan trọng, thể chế rất quyết định nhưng con người quyết định nhất. Cần đội ngũ sẵn sàng tiếp cận, chuyển giao và đi trước trên một số lĩnh vực" - Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Công nghệ, thể chế hay con người đều là những chìa khóa cốt lõi để vận hành con tàu mang tên cách mạng 4.0. Nghị quyết 52 thể hiện quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất, với những mục tiêu và chỉ đạo tới từng cấp. Quan trọng hơn cả, trong thời gian tới sẽ là những chương trình hành động cụ thể hơn và thời gian thực thi sẽ là yếu tố sống còn.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Cách mạng công nghiệp 4.0 Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Cách mạng công nghiệp 4.0

VTV.vn -Ngày 24/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước