Công điện 103 của Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Việt Nam với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính (Net Zero) vào năm 2050. Do vậy, cần đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh như: Phát triển năng lượng tái tạo nhờ tận dụng lợi thế địa lý gần xích đạo, khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Mới đây, trong báo cáo của các tổ chức Quốc tế đều khẳng đỉnh: Việt Nam là Quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phát triển điện gió ngoài khơi, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi đạt khoảng 600GW.
Một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là có đường bờ biển dài hơn 3.000km, tốc độ gió ổn định, diện tích lớn. Và trong thời gian gần đây thị trường quốc tế đặt mua những bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi là những tín hiệu tích cực đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết: "Một lợi thế nữa mà Việt Nam có được là cơ sở hạ tầng hiện có và kinh nghiệm từ ngành dầu khí và tất nhiên cơ sở hạ tầng đã có sẵn với gió trên đất liền và gần bờ cũng sẽ giúp Việt Nam tiến bộ nhanh chóng. Tôi nghĩ khá hứa hẹn khi thấy đã có đơn đặt hàng đến Việt Nam từ thị trường quốc tế".
Việc phát triển điện gió ngoài khơi bên cạnh việc góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh còn là cơ hội để tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Theo đó ngành điện gió ngoài khơi có thể tạo mới 9.000 việc làm toàn thời gian trong kịch bản phát triển 1GW và con số này sẽ lên tới 55.000 cho kịch bản 6GW.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Phát triển điện gió ngoài khơi và phát triển chuỗi công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ không chỉ là các dự án điện gió ngoài khơi mà sẽ là lao động xanh, sẽ là giá trị gia tăng xanh, sẽ là cái lan tỏa cho các khu công nghiệp xanh, cho các việc thu hút đầu tư cho các lĩnh vực khác".
Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng đó là: Bắc Bộ: 2.500MW; Trung Trung Bộ: 500MW; Nam Trung Bộ: 2.000MW và Nam Bộ là 1.000MW. Do đó việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện đã đề ra.
"Để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp có lẽ việc đề xuất 3GW cho đến 2030 cũng là hợp lý theo kinh nghiệm quốc tế. Bởi nếu chúng ta không bắt đầu thì chúng ta không thể hình thành ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có tiềm năng nhiều trăm tỷ đô", ông Dư Văn Toán - Hội Năng lượng tái tạo Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo cho hay.
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần đưa ra một số chiến lược bao gồm cải thiện khung chính sách và thể chế về điện gió ngoài khơi.
Ngoài các nội dung chỉ đạo cụ thể, trong Công điện 103 Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp. Nhất là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!