Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN

VTV Digital-Thứ tư, ngày 25/09/2024 07:09 GMT+7

VTV.vn - Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%. Vì vậy hơn 3 tháng tới đòi hỏi nhiều nỗ lực phát triển kinh tế từ các địa phương và doanh nghiệp để có thể đạt mục tiêu này.

Đợt bão lũ nghiêm trọng vừa qua ước tính làm ảnh hưởng tới 0,15% tăng trưởng GDP của nước ta năm nay, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dù vậy, Chính phủ vẫn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay vẫn đạt khoảng 7%. Do đó, khoảng thời gian hơn 3 tháng còn lại sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực phát triển kinh tế hơn nữa từ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để có thể đạt mục tiêu này. Đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Đằng sau sự phát triển của kinh tế TP Hồ Chí Minh là sự đóng góp của 3 động lực tăng trưởng. Có thể được ví như 3 trụ cột tạo thành thế "kiềng 3 chân". Đó là 3 trụ cột sản xuất - xuất khẩu; tiêu dùng và đầu tư. Số liệu kinh tế qua 8 tháng năm nay cho thấy 2 trụ cột xuất khẩu và tiêu dùng của đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh là có khởi sắc, phục hồi rõ nét hơn cả. Một số ngành nghề đã kín đơn hàng đến hết năm, giúp cho tình hình lao động được cải thiện, lượng hàng tồn kho giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ. Không khí sản xuất sôi động tại các nhà máy sẽ là minh chứng rất trực quan cho những con số này.

Mỗi ngày 1 dây chuyền sản xuất có thể xử lý lên tới 2.000 sản phẩm. Nhờ số hóa quy trình sản xuất, may Việt Tiến vẫn có lượng đơn hàng đều đặn đến cuối năm. Đặc biệt là khả năng thích ứng các điều kiện mới của những thương hiệu thời trang lớn toàn cầu như giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Dù đang phải phải đối mặt với khó khăn, nhưng mục tiêu tăng trưởng 9% của dệt may với mốc 44 tỷ USD của dệt may năm nay được cho là nhiệm vụ khả thi.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may Việt Tiến cho biết: "Các doanh nghiệp hiện nay họ đang đang đàm phán cho đơn hàng kế tiếp của quý tư và quý 1 năm 2025. 8 tháng đầu năm toàn ngành hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu được gần 28,4 tỷ, tăng hơn 6 % so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch năm nay chúng tôi dự kiến xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD thì mục tiêu này sẽ đạt được".

Ngoài dệt may, rau quả cũng là nhóm hàng năm nay có sự bứt tốc mạnh. Đàm phán thành công đưa sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, hay bưởi chính thức được sang Hàn Quốc, hàng loạt thị trường chính, quan trọng, đông dân như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay: "Kim ngạch tôi thấy là hàng tháng đều tăng so với năm 2023 từ 25 - 30%. Cho nên tôi chắc chắn kim ngạch của Việt Nam chúng ta năm nay sẽ cán mốc 7 tỷ USD".

"Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội khi dự báo Việt Nam có thể là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN năm nay. Không chỉ là Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, rất nhiều khu vực tiềm năng đang phát triển như Cần Thơ, Bình Dương", bà Luanne Lim - Tổng giám đốc HSBC - Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định.

Qua 8 tháng, một số ngành sản xuất chế biến chế tạo của TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng hơn 20%, như sản phẩm cao su, plastics; giường tủ bàn ghế.

Sở Công Thương Thành phố cho biết sẽ tiếp tục các chương trình giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh như kết nối tín dụng, kết nối cung - cầu, hợp tác với các địa phương để tăng tốc độ phục hồi.

Kỳ vọng sức tiêu dùng tăng dịp cuối năm

Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN - Ảnh 1.

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh đã lấy lại được mức trưởng 2 con số.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có đời sống tiêu dùng sôi động cho nên trụ cột này cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng của của năm. Qua 8 tháng thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã lấy lại được mức trưởng 2 con số, tương ứng 10,3%. Để giữ đà, chính quyền Thành phố đang tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến mãi tập trung quy mô lớn hơn năm trước. Năm nay có đến hơn 10.000 thương nhân đăng ký tham gia để kích thích chi tiêu.

"Với chủ trương kích thích tiêu dùng, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt khuyến mãi tập trung với thời gian kéo dài 3 tháng cho mỗi đợt", ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho hay.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Tôi rất tin tưởng vào TP Hồ Chí Minh sẽ đảm nhận được trọng trách này vì dư địa của TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều. Dư địa về tiêu dùng khi TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất, số lượng người dân sống mật độ cũng đông nhất, do vậy động lực tiêu dùng sẽ rất tốt".

Trong số 3 trụ cột, thì trụ cột đầu tư được đánh giá là còn nhiều dư địa cho kết quả tăng trưởng cả năm của TP Hồ Chí Minh. Bởi đến hết tháng 8 Thành phố hiện giải ngân hơn 18% vốn đầu tư công, tương ứng khoảng 14.000 tỷ đồng. Nghĩa là vẫn còn hơn 65.000 tỷ đồng vốn công đang được chờ giải ngân để tạo vốn mồi cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại là Thành phố sẽ phát huy hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân ra sao trong giai đoạn chạy nước rút sắp tới.

Dư địa giải ngân đầu tư công tại đầu tàu kinh tế

Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN - Ảnh 2.

Mục tiêu đến cuối năm của TP Hồ Chí Minh giải ngân xoay quanh 95%.

Trong quý 3, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải nằm trong dự án có tổng quy mô đầu tư 11.300 tỷ đồng, kết hợp vốn ODA và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố. Dự án công này được đánh giá sẽ giải quyết những vấn đề sát sườn của người dân và tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho hay: "Xây dựng được nhà máy xử lý nước thải với công suất lớn nhất cả nước hiện nay. Đặc biệt là sẽ chuẩn bị tốt để triển khai dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 trong 5 năm tới để tạo ra lưu vực đầu tiên của Thành phố được thu gom xử lý triệt để lượng nước thải".

Hiện đã có nhiều dự án cầu, đường quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh đã đạt tiến độ thi công trên 70%. Dự kiến sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối quý 3 và quý 4 năm nay.

Trước kết quả giải ngân đầu tư công hiện chưa đạt yêu cầu đặt ra, lãnh đạo Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư cần sát sao, quyết liệt hơn để bù lại thời gian chậm tiến độ. Đặc biệt là 4 ban quản lý làm chủ đầu tư dự án vốn lớn.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Các đồng chí trưởng ban phải kiểm điểm thật kĩ lại từng dự án, cập nhật kế hoạch và giữ cam kết hàng tháng. Cho đến cuối năm chúng ta phải giải ngân xoay quanh 95%. Ban nào khó khăn thì là 90% trở lên".

Thời gian qua, Thành phố cũng phát động 130 ngày đêm thi đua với tinh thần "làm ngày không đủ - tranh thủ làm đêm" để hoàn thành khoảng 15 gói thầu, dự án giao thông.

Cuối quý 3 và quý 4 được nhận định sẽ là "điểm rơi" của giải ngân đầu tư công khi một số vướng mắc quan trọng của các dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ phần nào được tháo gỡ. Kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể tốc độ đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế.

Ngoài tập trung cho 3 trụ cột tăng trưởng như đã phân tích, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh bộ máy chính quyền còn phải tập trung cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn, tập trung phát triển các động lực mới, phát triển hợp tác quốc tế. Có như vậy Thành phố mới đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay là 7,5%. Qua đó góp phần quan trọng giúp cả nước giữ được mục tiêu tăng trưởng cả năm nay khoảng 7%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước