Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì đà tăng trưởng của kinh tế đất nước. Đây là nhận định của báo chí quốc tế tuần qua.
Trang Asia Fund Managers dẫn báo cáo của hãng quản lý đầu tư VanEck cho rằng, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bên ngoài các thị trường mới nổi truyền thống.
Các cải cách kinh tế của Việt Nam đã tạo ra một chu kỳ tích cực, cải cách thúc đẩy xuất khẩu, xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quỹ đạo này đã định vị Việt Nam trở thành một phần năng động và không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu.
Cùng chung nhận định, trang Investor cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt cược vào câu chuyện thành công của Việt Nam bằng cách tăng dòng vốn mới, đưa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã cam kết vào Việt Nam lên 4,29 tỷ USD trong hai tháng đầu năm nay, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích, Ngân hàng Maybank Việt Nam nhận định: "Khi chúng ta tiếp tục giữ được sự ổn định, giữ được những lợi thế cạnh tranh và còn tiếp tục củng cố sức mạnh này thông qua việc đẩy mạnh đầu tư công để cải thiện được năng lực về hậu cần, cải thiện về chất lượng, về về vận chuyển, về logistic cho nền kinh tế thì đấy là những điểm mạnh chúng tôi có thể đánh giá cho Việt Nam trong việc thu hút FDI".
Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.
Trang mondaq.com dẫn nhận định chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất trong ASEAN trong những năm tới dựa trên sự đa dạng hóa kinh tế, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật đầu tư.
Cũng về vấn đề cải cách chính sách, trang the Star cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh, dỡ bỏ các rào cản pháp lý không cần thiết để thu hút các nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và muốn Chính phủ Việt Nam phải giữ được sự cải thiện trong những lĩnh vực đang là thế mạnh. Ở đây thách thức nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đặt câu hỏi đó là chúng ta giữ được mức độ điều hành chính sách tốt như thế nào và hiệu quả như thế nào. Mảng thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải tiến hành nâng cấp giáo dục cũng như là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, kế hoạch phát triển nguồn đội ngũ kỹ sư phải được triển khai nhanh và kịp thời", ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích, Ngân hàng Maybank Việt Nam cho biết.
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhận định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vốn và việc làm, từ đó giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, với dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!