Việt Nam được đánh giá là một trung tâm tài chính tiềm năng

VTV Digital-Thứ tư, ngày 25/12/2024 13:18 GMT+7

VTV.vn - Bộ Chính trị đã phê duyệt Đề án về thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Hai Thành phố được lựa chọn là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Hiểu một cách đơn giản, trung tâm tài chính là một địa điểm tập trung nhiều định chế, tổ chức, doanh nghiệp và con người cùng tham gia vào hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ, quản lý tài sản, bảo hiểm.

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mô hình đang được đề xuất để vận hành trung tâm tài chính ở Việt Nam bao gồm 4 cơ quan: Ban chỉ đạo Trung tâm tài chính, đóng vai trò quan trọng nhất: định hướng những chiến lược phát triển của trung tâm này; Cơ quan quản lý trực tiếp điều hành hoạt động; Cơ quan giám sát; Cơ quan giải quyết tranh chấp.

Tại cuộc họp mới đây với các bộ ngành và địa phương liên quan, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần chuẩn bị nguồn lực nhân sự để đáp ứng mô hình này.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo: “Đề nghị hai Thành phố chuẩn bị khung cho 4 cơ quan của hai trung tâm này. Bây giờ đến con người cụ thể, không phải bàn chung chung. Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B phải có trong này. Tìm kiếm trong bộ máy hiện tại có nhân sự nào thì lựa chọn, thiếu nhân sự nào thì kêu gọi và chuẩn bị đào tạo”.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập nhiều đoàn công tác, đi học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình này trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để đi tắt đón đầu, Việt Nam có thể tham khảo những định hướng tương lai của họ, trong đó có phát triển công nghệ tài chính (fintech). Ví dụ như Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC) đã thành lập một trung tâm fintech đầu tiên của Trung Đông, quy tụ hơn 200 doanh nghiệp. Đồng thời cũng dành nhiều chính sách để khuyến khích lĩnh vực này.

Ông Arif Amiri - Tổng Giám đốc Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC) nêu ý kiến: “Năm 2017, chúng tôi đã thành lập tổ ươm tạo fintech. Thứ hai, chúng tôi thành lập quỹ đầu tư tập trung để thúc đẩy các startup fintech. Chúng tôi có ba luật tiên phong trên toàn thế giới: Luật Tài sản ảo đầu tiên trên thế giới do DIFC ban hành. Ngoài ra, còn Luật Đầu tư mạo hiểm, Luật bảo vệ dữ liệu”.

Trung tâm tài chính không chỉ là một toà nhà vật lý, mà còn là một hệ sinh thái. Ngoài những cơ chế thông thoáng về đầu tư, kinh doanh, nơi đây còn cần có đầy đủ tiện ích, dịch vụ để thu hút được các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài.

TS Baumgartner - Nguyên Giám đốc Trung tâm Giải quyết tranh chấp DIFC chia sẻ: “Các nhà chức trách phải thiết lập môi trường sống chất lượng cao, đi kèm với đó là các dịch vụ từ nhà hàng, ăn uống, nghệ thuật, biến nơi đây thành một địa điểm đáng sống. Ngoài ra, UAE cũng nới lỏng cơ chế visa cho người lao động, khi có thể cấp quốc tịch cho công dân nước ngoài đủ điều kiện”.

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trung tâm tài chính tiềm năng. Bởi chúng ta có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, gắn với vị trí chiến lược. Đây là lợi thế riêng có để thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước