Việt Nam là nơi "trú ẩn" ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới. Ảnh minh họa.
Việt Nam đang tận dụng được cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra trong sáng 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp do COVID-19 gây ra. Kinh tế Mỹ trong quý II đã giảm sâu gần 33%, Liên minh châu Âu giảm hơn 12%. Còn các đối tác chiến lược lớn của Việt Nam đều bị suy giảm kinh tế rất nghiêm trọng.
Với Việt Nam, trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, kinh tế phát triển khá tốt, nhất là sản xuất công nghiệp, đầu tư, du lịch và dịch vụ. Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19, nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm nay, với 2,8% và 6,8% trong năm sau.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020.
Còn Tạp chí The Economist nhận định Việt Nam là nơi "trú ẩn" ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Các thành viên Chính phủ bày tỏ lạc quan về sức khỏe của nền kinh tế tốt lên trông thấy trong 2 tháng trên đà phục hồi vừa qua, nhất là sức tiêu dùng trong nước. Trong đó, dịch vụ tháng 7 tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.
Mặc dù dòng vốn đầu tư toàn cầu giảm tới 40%, nhưng Việt Nam vẫn thu hút được gần 19 tỷ USD, giải ngân được trên 10 tỷ USD. Điều này cho thấy, Việt Nam đang tận dụng được cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới.
Còn giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 41% kế hoạch, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ này. Dù thương mại toàn cầu đang tiếp tục suy giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang hai bạn hàng lớn nhất của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ và xuất siêu đạt 6,5 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện ở Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo ra nhiều thách thức mới đối với sự phục hồi của nền kinh tế, nhất là dịch vụ, du lịch và thu ngân sách Nhà nước. Còn nhu cầu của các nước vẫn tiếp tục giảm sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam khó có thể tăng cao.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thách thức đối với Việt Nam lúc này là dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ làm nhu cầu trong nước khó có thể tăng thêm, đe dọa phục hồi kinh tế. Do đó, lúc này phải quyết liệt phòng, chống, không để dịch COVID-19 lây lan. Tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không được chủ quan, lơ là.
Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương là người trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh ở địa phương mình.
Tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô và kích thích tiêu dùng nội địa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nhà kinh tế nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm như hiện nay, cả cung và cầu đều yếu, nên năm nay nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng được từ 2 - 3% đã là một cố gắng rất lớn.
Nếu trong nước kiểm soát tốt dịch COVID-19 và tình hình dịch bệnh thế giới không quá xấu mới phấn đấu tăng trưởng được cao hơn. Do đó, về kinh tế ưu tiên số một hiện nay vẫn phải là tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô và kích thích tiêu dùng nội địa.
Về kinh tế, ưu tiên số một hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô và kích thích tiêu dùng nội địa. Ảnh minh họa.
Tiếp đó, trong 5 tháng tới đây các bộ, ngành phải giải ngân hết 630 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, để góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4 điểm %. Khoản vốn này cũng sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm cho người lao động. Cùng với đưa thêm tín dụng ra nền kinh tế, vì hiện nay mức tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 3,75%.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất thêm các chính sách tiền tệ và tài khóa mới để hỗ trợ doanh nghiệp, vì việc gia hạn, giãn, hoãn giảm thuế và lãi suất vay vốn vừa qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, nên cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa, nhất là khi nền kinh tế gặp khó khăn do dịch COVID-19 quay trở lại.
Trước ngày 15/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng các giải pháp về chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như hỗ trợ người lao động để Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!