Quý I/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 7,71 tỷ SGD
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 3/2024 tiếp tục thể hiện tín hiệu tích cực, đặc biệt là chiều xuất khẩu sang Singapore vẫn giữ được mức tăng tốt. Đáng chú ý là mức tăng rất mạnh của nhóm hàng gạo, ngũ cốc (tăng gần 2 lần) đưa mặt hàng gạo Việt Nam lần đầu tiên chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Singapore.
Trong tháng 3/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,54 tỷ SGD (1,87 tỷ USD), tăng 4,29% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao (tăng 7,69%), đạt 603,3 triệu SGD. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 3,27%, đạt hơn 1,93 tỷ SGD.
Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore tăng mạnh ở mức 15,96%, đạt hơn 673 triệu SGD; trong khi hàng hoá từ nước thứ ba qua Singapore xuất sang Việt Nam (chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu) giảm nhẹ ở mức 2,41%, đạt hơn 1,26 tỷ SGD. Mặc dù mức thâm hụt giữa nhập khẩu và xuất khẩu ước đạt hơn 1,33 tỷ SGD, song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam nhập siêu khoảng gần 70,1 triệu SGD.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 7,71 tỷ SGD, tăng 4,21% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 15,22%, đạt hơn 1,83 tỷ SGD và nhập khẩu đạt gần 5,89 tỷ SGD, tăng 1,2%. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore.
Xét về xuất xứ hàng hóa, hàng tạm nhập tái xuất qua Singapore vào Việt Nam chiếm 70,85% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 4,1 tỷ SGD. Trong khi đó, nếu tính riêng hàng hóa có xuất xứ từ Singapore thì Việt Nam xuất siêu khoảng 119,21 triệu SGD.
Gạo Việt chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Singapore
Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Singapore
Trong số 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore, chỉ có nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng trưởng ở mức tốt (tăng 25,14 %); hai nhóm còn lại đều sụt giảm kim ngạch, cụ thể Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (giảm 8,25%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (giảm 18,79%). Một số nhóm ngành xuất khẩu khác có mức tăng trưởng rất mạnh như Dầu thực động vật, chất béo (tăng gần 500 lần), Gạo và ngũ cốc (tăng gần 2 lần), Sắt thép (tăng hơn 1,8 lần)... Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh là Muối; lưu huỳnh; đất & đá; thạch cao, vôi & xi măng (giảm 33,64%); Gỗ và các sản phẩm đồ gỗ (giảm 35,65%)…
Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam, 12/21 nhóm ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu âm, trong đó nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên tiếp tục giảm mạnh (giảm 46%); 2/3 nhóm nhập khẩu chủ lực còn lại tăng so với cùng kỳ là Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 4,84%) và Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 46,72%). Một số nhóm khác cũng có mức tăng rất mạnh như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng 4,18 lần); Ngọc trai, đá quý, và các sản phẩm kim hoàn (tăng 16 lần)...
Trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt hơn 312 tỷ SGD, tăng 4,84% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt hơn 165,94 tỷ SGD (tăng 4,45%) và nhập khẩu đạt gần 146,1 tỷ SGD (tăng 5,29%). Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore.
Cũng trong quý I/2024, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc,… Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Singapore.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!