Tình trạng thiếu container chuyển hàng và khan hiếm nguyên vật liệu đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, từ đó góp phần làm tăng chi phí đầu vào với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2018.
Ngày 1/2, IHS Markit công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng - PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 51,3 điểm vào tháng 1/2021, giảm so với mức 51,7 của tháng 12/2020. Kết quả này cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện chậm hơn vào đầu năm 2021.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 12. Mức độ kéo dài thời gian giao hàng là lớn nhất trong gần một thập kỷ, chỉ sau giai đoạn tháng 3 - 4 vừa qua giãn cách xã hội vì COVID-19.
Thiếu container góp phần tạo áp lực lên lạm phát. Ảnh minh họa - Dân trí.
Những vấn đề liên quan đến chuyển hàng và nguồn cung nguyên vật liệu đã tạo thêm áp lực lạm phát. Vì muốn dự phòng tránh tình trạng giá cả nguyên vật liệu leo thang, các công ty đã tăng tồn kho hàng mua trong 2 tháng liên tiếp.
Mặc dù các nhà sản xuất vẫn tự tin về triển vọng 12 tháng tới, tâm lý kinh doanh đã giảm về mức thấp của năm tháng khi còn những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của COVID-19. Ở những trường hợp các công ty lạc quan, điều này phản ánh hy vọng giảm ảnh hưởng của đại dịch và các kế hoạch mở rộng đầu tư và sản xuất.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit cho rằng, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã phải chật vật lấy lại đà tăng trưởng vào đầu năm 2021 khi những ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch COVID-19 và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã kìm hãm hoạt động sản xuất.
Dữ liệu khảo sát cho thấy trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt trên toàn cầu, vẫn có những khó khăn đáng kể mà ít nhất trong tương lai gần có thể cản trở khả năng tăng trưởng ở mức ngoạn mục như đã có trước khi xảy ra đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!