"Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP"

Hữu Bằng (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ sáu, ngày 06/03/2015 23:03 GMT+7

(VTV.vn) - Đây là nhận định của Đại sứ Charlene Barshefky, nguyên đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong cuộc trao đổi với phóng viên VTV.

Chiều 6/3, tại Hà Nội, Đại sứ Charlene Barshefky, nguyên đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã có cuộc gặp gỡ với những người đã từng gắn bó với quá trình phát triển quan hệ thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ trong suốt 15 năm qua.

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sâu rộng mà Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Nhân dịp này, phóng viên Thời sự đã có cuộc phỏng vấn bà Đại sứ Charlene Barshefky, nguyên đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Bà Charlene Barshefky, nguyên đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Chào mừng bà Đại sứ đã quay trở lại Việt Nam. Thưa bà, chúng ta đã mất 15 năm để chuyển từ Hiệp định Thương mại song phương (BTA) sang TPP. Bà đánh giá như thế nào về triển vọng kết thúc Hiệp định TPP trong năm nay?

Đại sứ Charlene Barshefky: Tôi nghĩ chúng ta sẽ kết thúc được hiệp định này trong năm nay, tôi không có nghi ngờ gì về điều này. Lý do bởi các quốc gia tham gia đàm phán đã sẵn sàng kết thúc và tôi cũng cho rằng, bản thân Hoa Kỳ cũng đã sẵn sàng. Có một số vấn đề nổi bật đối với Việt Nam, Nhật Bản và với phần lớn các quốc gia tham gia nhưng theo tôi, những vấn đề này nếu khó cũng sẽ có hướng giải quyết đạt kết quả.

Chính vì vậy, tôi tin năm nay, hiệp định này sẽ kết thúc. Một điều quan trọng nữa khiến tôi nói như vậy là yếu tố chính trị tại Mỹ, đó là việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định này sẽ không thể được thực hiện vào năm bầu cử Tổng thống Mỹ, dự kiến vào năm 2016. Các thành viên Quốc hội và cả chính quyền cũng sẽ tránh phải bỏ phiếu cho TPP vào năm bầu cử 2016. Hiệp định này cũng sẽ được kết thúc trong năm nay, tôi tin như vậy.

Vậy theo đánh giá của bà, TPP có thể mang lại điều gì cụ thể cho Việt Nam?

Đại sứ Charlene Barshefky: Trong các thành viên tham gia TPP, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này về mở rộng thị trường bởi thị trường của các quốc gia thành viên TPP cho dệt may, quần áo, hàng chế tạo, sản phẩm công nghệ, nông nghiệp sẽ lớn hơn nhiều trong khi đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã là nhà xuất khẩu các mặt hàng này trên toàn thế giới.

Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng việc kết thúc đàm phán TPP còn khó khăn, vướng mắc ngay trong nội bộ nước Mỹ. Bà có thể cung cấp thêm thông tin từ nội dung này không, thưa bà?

Đại sứ Charlene Barshefky: Các đời Tổng thống Hoa Kỳ, nhất là từ Thế chiến thứ hai đã có một chính sách thương mại rất nhất quán, luôn hướng về phía trước, mở rộng tiếp cận thị trường với nước ngoài, giảm bớt những rào cản ngay trong nước Mỹ.

Chúng tôi có 535 thành viên Quốc hội và mỗi người lại có một quan điểm khác nhau. Một số cho rằng, chính sách thương mại là một thành tố quan trọng tạo nên sự tăng trưởng của nước Mỹ và rất coi trọng các chính sách cũng như Hiệp định thương mại, họ biết được đâu là một hiệp định tốt, nó có tác dụng đối ngoại như thế nào, thúc đẩy mục tiêu chính sách của Mỹ ra sao. Nhưng một nhóm thành viên Quốc hội khác cho biết, họ không mấy quan tâm tới chính sách mà chỉ quan tâm tới một mặt hàng cụ thể nào đó, làm thế nào để nó có lợi hơn trong hiệp định này, ví dụ nông nghiệp sẽ có lợi gì trong hiệp định này và tổng thể hiệp định sẽ ảnh hưởng như thế nào tới một vấn đề cụ thể.

Nhưng tôi nghĩ, tất cả những quan điểm này sẽ trở nên thống nhất trên cơ sở các cuộc tranh luận về Hiệp định thương mại bởi cuối cùng, Quốc hội vẫn phải bỏ phiếu tán thành hoặc không tán thành và đưa ra quyết định dựa trên đa số.

Cảm ơn bà Đại sứ đã tham gia cuộc phỏng vấn!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước