Vĩnh Phúc tăng trưởng kinh tế bền vững

PV-Thứ hai, ngày 01/04/2019 15:51 GMT+7

Ảnh: Cổng TT-GTĐT tỉnh Vĩnh Phúc

VTV.vn - Sau hơn 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã vươn mình trở thành một trong những địa phương có kinh tế phát triển bậc nhất của cả nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách Trung ương.

Từ một tỉnh thuần nông phải nhận "cứu trợ" hàng năm, sau hơn 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã vươn mình trở thành một trong những địa phương có kinh tế phát triển bậc nhất của cả nước và đóng góp đáng kể cho ngân sách Trung ương. "Kỳ tích" trên không phải ngẫu nhiên có được mà đến từ chiến lược, những giải pháp căn cơ, đồng bộ trong phát triển kinh tế và sự đồng thuận, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong năm 2018, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,06%, vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (7,5-8%). Trong đó: ngành công nghiệp – xây dựng tăng 13,54% so với năm 2017 và là năm có mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây, đóng góp 6,61 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, cao hơn mức tăng năm 2016 và năm 2017, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,24 điểm %; các ngành dịch vụ tăng 7,36%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,57 điểm %. Riêng thuế sản phẩm giảm 1,55% so với năm 2017, làm giảm 0,36 điểm % trong tăng trưởng chung của tỉnh. Nếu loại trừ ảnh hưởng của yếu tố thuế thì giá trị tăng thêm của tỉnh năm 2018 tăng 11,03% so năm 2017.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, năm 2018 quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt 93,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 9,56%) so với năm 2017, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng/người/năm, tăng 6,57 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã dần đi vào chiều sâu, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh ước đạt 39,5 triệu đồng/người.

Trong công nghiệp, giá trị sản xuất năm 2018 ước tăng 14% so năm 2017, trong đó 3 sản phẩm chủ lực tiếp tục tăng cao như: ô tô đạt 62,39 ngàn chiếc, tăng 19,8% so với năm 2017, gần bằng sản lượng năm cao nhất 2016(sản lượng ô tô sụt giảm từ 64,1 ngàn chiếc năm 2016 xuống còn 50 ngàn chiếc năm 2017) doanh thu linh kiện điện tử tăng 22,3%; xe máy ước đạt 2,156 triệu chiếc, tăng 3,16% so với năm 2017; các sản phẩm khác đều tăng khá như quần áo, thức ăn gia súc,...

Sản xuất nông nghiệp đạt tốc độ tăng cao nhất trong 3 năm gần đây với mức tăng 3,89% so năm 2017, trong đó chăn nuôi tăng 5,02% do có sự phục hồi mạnh về giá lợn hơi, sản lượng gia cầm cũng tăng cao, đạt 7,1%, trứng gia cầm tăng 7,2% và sản lượng sữa tươi tăng tới 25,27% do có thị trường tiêu thụ ổn định. Sản xuất trồng trọt tăng khá do thời tiết tương đối thuận lợi. Năng suất hầu hết các cây trồng đều tăng, trong đó năng suất lúa tăng 6,1%, cây ngô tăng 4,53%. Sản lượng thuỷ sản đạt hơn 21 nghìn tấn, tăng 4,2% so với năm 2017. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện, ước hết năm 2018, toàn tỉnh có 103/112 xã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 92% số xã toàn tỉnh.

Vĩnh Phúc tăng trưởng kinh tế bền vững - Ảnh 1.

Ảnh: Cổng TT-GTĐT tỉnh Vĩnh Phúc

Các lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định, hàng hoá đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 9,9% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,24 tỷ USD, tăng 12% so năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,78 tỷ USD, tăng 4,32% so với năm 2017. Lượng khách du lịch đến tỉnh trong năm 2018 ước đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2017. Dịch vụ tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của tỉnh, tốc độ tăng tín dụng ước đạt 23,4% so với cuối năm 2017, trong đó cơ cấu tín dụng chủ yếu là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,85 % tổng dư nợ).

Về thu ngân sách nhà nước, ước cả năm tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2017 và đạt 99% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, bằng 96% dự toán và tăng 3% so năm 2017. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm.

Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được quan tâm cải thiện. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được duy trì ở cả 3 cấp. Chương trình xúc tiến đầu tư được tổ chức thực hiện hiệu quả, các cuộc xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm… Kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước đều tăng so với năm 2017, dự kiến cả năm thu hút được 4,57 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 97,3% và 450 triệu USD vốn FDI bằng 100% năm 2017.

Hơn 20 năm nỗ lực, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đưa Vĩnh Phúc từ tỉnh thuần nông, có thứ hạng khiêm tốn trong cả nước vươn lên top đầu các địa phương có quy mô và tăng trưởng kinh tế lớn nhất nước. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI, tỉnh đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu dựa trên 3 trụ cột đó là công nghiệp, du lịch -dịch vụ và nông nghiệp, với nhiều định hướng và giải pháp cụ thể.

Đối với ngành công nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, như: Sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, dệt may, da giày; đưa ô tô, xe máy trở thành ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh. Phát triển nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực và ngành sản xuất, lắp ráp điện tử. Từng bước phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu; khuyến khích các dự án sử dụng nhiều lao động.

Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh và đầu tư hạ tầng về phát triển dịch vụ, du lịch. Tiếp tục đầu tư, quản lý và khai thác có hiệu quả khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Tam Đảo, các công trình văn hoá, phúc lợi kết hợp với hoạt động du lịch. Từng bước quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng khu Tam Đảo 2, Đầm Vạc, khu Sáu Vó, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng dọc dãy núi Tam Đảo. Quy hoạch và triển khai một số tuyến du lịch trọng tâm; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.

Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn. Khuyến khích tập trung ruộng đất, dồn thửa, đổi ruộng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiến tới sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; khai thác giá trị kinh tế các sản phẩm có tính đặc thù của địa phương. Thực hiện chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp. Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù vẫn còn khó khăn, thách thức và những hạn chế nhất định, nhưng thành tựu phát triển kinh tế mà Vĩnh Phúc đạt được sau hơn 20 năm tái lập rất đáng tự hào. Đây là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân trong tỉnh nỗ lực, quyết tâm sớm đưa "…Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta..." như lời căn dặn khi Bác về thăm Vĩnh Phúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước