VN-Index lùi sâu về gần mốc 1.200 điểm

PV-Thứ ba, ngày 19/11/2024 20:39 GMT+7

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày giao dịch đầy khó khăn, ảm đạm

VTV.vn - VN-Index được kỳ vọng sẽ giao dịch trong khoảng 1.250 - 1.300 điểm trong thời gian còn lại của năm, với khả năng đạt mức 1.300 điểm.

Diễn biến thận trọng được duy trì trong suốt phiên sáng. Số mã đỏ lấn át số mã xanh và chỉ số chính đã bị lấy đi gần 2 điểm. Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu đã nỗ lực đóng góp lớn cho thị trường như: VHM, BID và PLX .

Nhóm cổ phiếu ngành tài chính và công nghệ thông tin sáng nay chịu áp lực bán mạnh cùng với mức sụt giảm mạnh nhất thị trường. Trong đó, bên bán gây áp lực chủ yếu ở các ông lớn ở ngành công nghệ thông tin như FPT giảm 2.24%, CMG giảm 2,43%.

Theo sau là nhóm cổ phiếu chứng khoán, sắc đỏ bao phủ hầu hết ở các mã như VIX, SSI, HCM đều giảm dưới 1%. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá phân hóa. Nhiều mã trụ nằm dưới tham chiếu tuy nhiên cũng có những mã xanh như BID tăng 1,12 điểm, HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 1 điểm.

HDBank cũng vừa đạt ba giải thưởng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2024, tiếp tục duy trì 6 năm liên tiếp giải thưởng Báo cáo Thường niên xuất sắc trong nhóm ngành Tài chính, được vinh danh Top 10 Quản trị Công ty tốt nhất, đồng thời đạt giải thưởng Doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng Cổ đông tốt nhất năm thứ hai liên tiếp. Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024 là sự kiện thường niên do các sở giao dịch chứng khoán tổ chức, thu hút hơn 500 doanh nghiệp niêm yết tham gia.

Sáng nay, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục, khối này tập trung bán ròng hơn 876 tỷ đồng ở phiên sáng trên sàn HOSE vào phiên sáng. Các cổ phiếu bị họ ra hàng nhiều nhất FPT, VHM. Ngược lại họ mua vào nhiều nhất là mã MCH với hơn 200 tỷ đồng.

VN-Index lùi sâu về gần mốc 1.200 điểm - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận một phiên giao dịch khá giằng co

Chốt phiên giao dịch hôm nay, VN-Index lùi sâu về gần mốc 1.200 điểm. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 19/11, VN-Index giảm 11,97 điểm xuống 1.205,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 512 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 13.248 tỷ đồng. Toàn sàn có 83 mã tăng giá, 287 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 2,11 điểm xuống 219,68 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 629,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 53 mã tăng giá, 93 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 1,34 điểm xuống 90,3 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 30,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 661 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã tăng giá, 130 mã giảm giá và 87 mã đứng giá.

Sắc đỏ tràn ngập tại nhóm ngành tài chính, bất động sản, công nghệ thông tin, viễn thông, nguyên vật liệu. Các cổ phiếu lớn đầu ngành như MSN, FPT, MWG, HPG, DGC, CTR, VGI đồng loạt giảm.

Ở nhóm ngân hàng, vẫn có một số mã giữ được sắc xanh như HDB, CTG, BID, SSB tăng nhẹ dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu dịch vụ du lịch - lưu trú lại có một phiên tích cực. Cụ thể, DSP tăng trên 13%, NVT tăng 3,6%, SGH tăng 7,6%, DAH tăng nhẹ 0,3%...

Đồng thời, nhóm bảo hiểm cũng là nhóm hiếm hoi giữ được sắc xanh nhờ BVH, PRE, ABI, PTI tăng điểm.

Cổ phiếu viễn thông đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, CTR giảm 6,3%, VGI giảm tới hơn 6%, FOX giảm trên 5,5%, FOC và ELC giảm trên 4%, SGT giảm hơn 1%.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng mạnh, với 1.465 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng trên HOSE, khối ngoại bán ròng tới 1.658 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, đây là giai đoạn khối ngoại có thời gian bán ròng dài nhất và giá trị lớn nhất lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán.

Từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 86.000 tỷ đồng trên HOSE, con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động. Trong 20 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng bán ròng duy nhất ở thời điểm tháng 1/2024.

Giới phân tích nhìn nhận, trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng lớn đến dòng vốn ngoại.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho rằng, việc tỷ giá trung tâm liên tục tăng và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư, cũng như diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất.

Chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, hiện tại, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số quản lý thu mua (PMI) đều tăng trưởng, bất chấp tác động từ đợt thiên tai gần đây.

Tuy nhiên, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro tới từ những biến động của tình hình thế giới.

"Trong khi xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, niềm tin kinh doanh giảm cho thấy các doanh nghiệp đang thận trọng trước bối cảnh toàn cầu không ổn định", ACBS nhận định.

Theo ACBS, tiến độ đầu tư công chậm và nhu cầu tiêu dùng yếu vẫn đang những thách thức cần giải quyết.

Về mặt tích cực, ACBS dự báo GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt khoảng 7%, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2025. Công ty chứng khoán này cũng dự báo lạm phát cho cả năm dưới mức mục tiêu 4,5% của Chính phủ là một tín hiệu tích cực, giúp Việt Nam có thêm dư địa để điều hành chính sách ổn định kinh tế trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 đã trở nên rõ ràng hơn khi các yếu tố khó lường của tháng 10 xoay quanh lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và kết quả tranh cử Tổng thống Mỹ đã hoàn toàn được phản ánh vào bối cảnh thị trường hiện tại.

VN-Index được kỳ vọng sẽ giao dịch trong khoảng 1.250 - 1.300 điểm trong thời gian còn lại của năm, với khả năng đạt mức 1.300 điểm.

Các rủi ro chính cần theo dõi bao gồm lộ trình hạ lãi suất Fed, áp lực tỷ giá tại Việt Nam và đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi tổng dư nợ trái phiếu chậm trả đã đạt 189.000 tỷ đồng và áp lực từ các trái phiếu bị trì hoãn dự kiến sẽ trở lại sau khi thời hạn ân hạn kết thúc, tác động đến thị trường trái phiếu trong thời gian còn lại của 2024 và kéo dài đến năm 2025.

Giai đoạn tích lũy kéo dài của chỉ số kể từ tháng 4, dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm, sẽ là một điểm nghẽn cần phải theo dõi khi động lực bứt phá trong những tháng tới sẽ phụ thuộc nhiều vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 và được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính: Đẩy mạnh đầu tư công (hiện đạt 52,3% mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ trong 10 tháng năm 2024); phục hồi trong hoạt động tiêu dùng và sản xuất vào năm 2025; nỗ lực kịp thời để đạt được trạng thái nâng hạng thị trường của tổ chức xếp hạng FTSE nhằm thu hút dòng vốn ngoại (dự kiến nâng hạng vào khoảng tháng 9 năm 2025); ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và việc triển khai chính sách tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước