Vốn vay ngân hàng - “Liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp tái khởi động sau dịch

Mai Phương-Chủ nhật, ngày 12/06/2022 16:36 GMT+7

VTV.vn - Sản xuất kinh doanh đang trở lại sau dịch COVID-19, tuy nhiên dòng vốn của DN không còn dồi dào như trước dịch. Vì vậy, nhu cầu vốn vay là nhu cầu cấp thiết lúc này.

Nếu không có dòng vốn sớm, tái khởi động lại kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sẽ có thể đánh mất những khách hàng quen thuộc vốn có vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Ông Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình ví COVID-19 như cơn bạo bệnh với hợp tác xã của mình. Nửa cuối năm 2021, vì giãn cách xã hội, nhiều hoạt động của hợp tác xã đình trệ, văn phòng đóng cửa, xưởng chế biến dừng hoạt động, mất khách ông đi tìm lại. Hợp tác xã bắt đầu nối lại các hoạt động buôn bán, gọi điện cho các khách hàng trong nước, email liên tục cho khách hàng nước ngoài. Vốn vay ngân hàng được ông ví như "liều thuốc bổ" trong lúc khó khăn.

Vốn vay ngân hàng - “Liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp tái khởi động sau dịch - Ảnh 1.

Vốn vay ngân hàng được ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Thabi, Trảng Bom, Đồng Nai, ví như "liều thuốc bổ" trong lúc khó khăn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Vừa rồi tôi cũng xoay xở được một số nguồn vốn để bù đắp lại những doanh số đã hụt đi trong khoảng nửa cuối năm 2021. Doanh số của chúng tôi khoảng trên dưới 1 tỷ 1 tháng, thì 6 tháng đã hụt mất bao nhiêu rồi. Nếu cứ ngại nợ rồi chúng ta không phát triển được sản phẩm mới thì không có gì để trang trải. Quan điểm của tôi là làm tất cả xung quanh cây chuối, trái chuối bán phân khúc nào, thân chuối bán phân khúc nào thì nó thành một hệ thống tổng hợp giá trị gia tăng lên", ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Thabi, Trảng Bom, Đồng Nai, cho biết.

Vốn vay ngân hàng hiện đang đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, là vốn vay ngắn hạn nên hợp tác xã dùng để giải quyết thu mua nguyên liệu cho bà con nhằm xuất khẩu chuối tươi.

Chỉ 1 năm trước đây, phần lớn chuối tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, vẫn được bán cho thương lái Trung Quốc mua tại vườn, nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Người nông dân ở đây vẫn nói vui trái chuối đã có passport đi sang châu Âu, như Anh hay Cộng hòa Czech.

"Nguồn vốn lúc nào cũng cần, nhưng cần làm như thế nào chứ không phải lúc nào chúng ta cũng vung tiền qua cửa sổ. Chúng tôi phải cân đo đong đếm rất kỹ. Chúng tôi có mục tiêu là làm theo đơn đặt hàng. Đơn đặt hàng nào ký hợp đồng xong thì chúng tôi đẩy mạnh sản xuất cái đó để mau thu hồi vốn về. Như vậy sẽ giúp cân đối nguồn vốn...", ông Lý Minh Hùng cho biết thêm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có tổng dư nợ khoảng 2,4 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm 25% trong tổng dư nợ của nền kinh tế, nhưng tổng dư nợ cho hợp tác xã hay liên hiệp hợp tác xã chỉ chiếm 1.137 tỷ đồng. Điều này cho thấy có sự chênh lệch về nguồn đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Câu chuyện giải quyết nhu cầu "khát" vốn của hợp tác xã chuối Thanh Bình cho thấy, với việc tiếp cận được và sử dụng vốn vay hiệu quả, chuỗi giá trị nông sản của bà con nông dân có thể được khép kín và nâng cao giá trị.

Hơn 2.300 tỷ đồng vốn vay ưu đãi đã đến tay người dân Hơn 2.300 tỷ đồng vốn vay ưu đãi đã đến tay người dân

VTV.vn - Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 2.335 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho người lao động tìm việc làm, hay vay mua nhà ở xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước