Tính đến ngày 3/4, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành quyền kiểm soát được 12/35 container bị mất chứng từ gốc, trong khi tái xuất được 18 container sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển về Việt Nam 4 container hàng có chứng từ gốc trong thời gian chưa đầy một tháng kể từ khi vụ việc phát sinh nhờ những nỗ lực hết sức và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan.
Mất quyền kiểm soát chứng từ gốc
Ngày 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có công văn thông báo việc một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán khi xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy, khi mất quyền kiểm soát 35 bộ chứng từ gốc (tương đương 35 container).
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đã đến Italy nhưng các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi mã số định danh nhận diện ngân hàng (SWIFT). Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ, nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam. Còn hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italy, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy hoặc giấy trắng chứ không phải bản gốc.
Doanh nghiệp Việt Nam không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. Do hàng đã chuẩn bị cập các cảng của Italy, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với luật sư chủ động liên hệ và trực tiếp đến làm việc với các cơ quan hữu quan của Italy như các hãng vận chuyển, cảnh sát kinh tài, chính quyền các cảng, ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ, phối hợp.
Ngày 10/3, cảnh sát kinh tài Italy đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều đầu tiên được vận chuyển đến cảng Genoa. Toàn bộ hệ thống cảng và ngân hàng của Italy đã được báo động về vụ việc này. Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng gửi công hàm đến các cơ quan sở tại như Bộ Ngoại giao, Bộ kinh tế phát triển, cảng vụ, hải quan, cảnh sát, tòa án, cũng như các phòng thương mại, ngân hàng, các đối tác Italy có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhờ những nỗ lực này, đến ngày 22/3, toàn bộ 35/35 container bị mất chứng từ gốc đều đã an toàn nằm trong các cảng của Italy để các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chứng minh hàng là của mình, giành lại quyền sở hữu và giải phóng hàng.
Tính đến ngày 3/4, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hàng bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng và cũng chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam. Dựa vào xác nhận đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã lấy ra được 9 container, có thể đổi vận đơn để bán cho người mua mới trong thời gian rất ngắn, giảm được tổn thất lớn.
Trong khi đó, 3 container bị mất chứng từ gốc khác đã được các doanh nghiệp Việt Nam trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển để đưa hàng về Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường giành quyền kiểm soát số hàng còn lại vẫn gian nan, do không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng tài chính để trả tiền bảo lãnh, hay có thể đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng, mà phải có chứng từ gốc hoặc phán quyết khẩn cấp của tòa án hay các cơ quan liên quan về quyết định trao trả lại quyền sở hữu cho người bán.
Một thắng lợi lớn khác là trong số những container có chứng từ gốc, các doanh nghiệp đã tái xuất khẩu được 18 container sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định chuyển về Việt Nam 4 container hàng.
Phương án ít tổn thất nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong vụ việc này là tìm khách mua mới, bởi vì nếu lựa chọn đưa hàng về, các doanh nghiệp sẽ phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển lượt đi là 14.000 USD/container và chi phí lượt về chưa xác định được, cộng với các loại phí lưu container, lưu cảng trong thời gian phong tỏa hàng.
Thương vụ Việt Nam tại Italy vào cuộc
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Italy đang phối hợp với luật sư, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều tại các nước như Italy, Đức, CH Czech, Áo, Bỉ, Hungary hỗ trợ tìm kiếm các nhà phân phối uy tín ở châu Âu. Hiện một số đối tác đã tỏ ra quan tâm, hỏi giá để xem xét mua số hạt điều này. Tuy nhiên, việc tìm khách hàng mua mới cũng không dễ dàng vì số lượng hàng lớn và thuộc phân khúc điều nhân chất lượng cao.
Ngoài ra, do bán hàng trong hoàn cảnh bị động nên người bán dễ bị người mua ép giá, chưa kể những chi phí phát sinh về vận tải, phí cảng, thay đổi bao bì... theo yêu cầu người mua mới.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết, các doanh nghiệp và Vinacas vẫn cần phải làm việc tích cực với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để làm sao có các phán quyết gấp và khẩn cấp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể sớm giải phóng hàng, bởi vì với mặt hàng thực phẩm như điều nhân này, thời gian chính là tiền bạc.
Qua vụ việc trên, luật sư Davide Gallasso thuộc Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự tại Lecco (Italy), người đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Italy để xử lý vụ việc, khuyến cáo rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa, cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu; đồng thời, nên chủ động trong việc thuê tàu vận chuyển, nghĩa là xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF. Bởi vì việc doanh nghiệp chủ động thuê tàu là đã có quyền kiểm soát chứng từ gốc và hàng hóa tốt hơn.
Từ vụ việc, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli Silvio Vecchione cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với các doanh nghiệp Italy cần thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, cơ quan thương vụ, lãnh sự danh dự Việt Nam để tìm hiểu rõ thông tin về đối tác, đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy.
Còn Phó Chủ tịch phòng thương mại Italy - Việt Nam tại Torino Phạm Văn Hồng cho rằng đây là vụ lừa đảo rất tinh vi. Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán nhờ thu trả ngay (D/P), do bên bán hoàn toàn thiếu thông tin về đối tác khi đàm phán hợp đồng. Đây có thể là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.
Theo ông, các doanh nghiệp cần thận trọng hơn với những đối tác mới giao dịch lần đầu, kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau. Việc lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các quy định và tập quán giao nhận hàng hóa tại nước nhập khẩu để đảm bảo nắm được quyền kiểm soát hàng hóa; về vận đơn, nên sử dụng vận đơn lập theo lệnh, không nên sử dụng vận đơn đích danh hoặc vận đơn để trống. Bởi trong trường hợp bộ chứng từ bị đánh tráo hoặc thất lạc trên đường gửi đi, nếu là vận đơn đích danh hoặc vận đơn để trống thì ai lấy được vận đơn cũng có thể đi nhận được hàng mà không ràng buộc trách nhiệm thanh toán hay chấp nhận thanh toán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!