Vụ 5 container nghi bị lừa đảo tại Dubai: Lấp đầy lỗ hổng rủi ro

TTXVN-Chủ nhật, ngày 06/08/2023 15:18 GMT+7

Container hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến nghị DN xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng, đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn và tìm hiểu trước khi ký kết hợp đồng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ vụ việc lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi giá trị hơn nửa triệu USD xuất khẩu sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị nghi lừa đảo, những ngày qua Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE cùng với cơ quan chức năng Dubai đã tích cực vào cuộc.

Đến nay 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã được bên mua lấy ra khỏi cảng, trong khi bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa được nhận thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi được giữ tại cảng ở Dubai.

Nhìn nhận về sự việc này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, qua thông tin phản ánh, một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Italy năm ngoái và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE năm nay là việc công ty chuyển phát chứng từ giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng người mua.

Đây là "lỗ hổng" của quy trình tưởng như rất chặt chẽ, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, vào tay người mua trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng. Nếu điều này là đúng, công ty chuyển phát phải chịu trách nhiệm về việc để thất lạc chứng từ của khách hàng, dẫn đến tình huống như đã xảy ra - người mua nhận hàng mà không thanh toán.

Trên thực tế, khi thương mại quốc tế ngày càng phát triển, những tranh chấp cũng thường xuyên xảy ra. Đây là những giao dịch và tranh chấp dân sự. Đáng ghi nhận, thời gian qua đã có sự vào cuộc của cơ quan ngoại giao, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài… trong việc làm việc với cơ quan cảng vụ, Bộ Ngoại giao ở phía bạn để cố gắng giữ lại lô hàng thứ 5.

Sau đó, các cơ quan này tiếp tục làm việc với hãng tàu để thu hồi hoặc chuyển sang bán cho người mua khác. Sự việc đặt ra yêu cầu xác minh độ tín nhiệm và uy tín phía đối tác. Điều này không dễ vì khoảng cách giữa các quốc gia là rất xa.

Theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp đang sử dụng một số giải pháp như thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp. Họ có sẵn một kho dữ liệu lớn, cập nhật thường xuyên để có thể đánh giá được tình trạng của doanh nghiệp. Các tổ chức như vậy có rất nhiều nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận trả phí.

Bên cạnh đó, thông qua tổ chức, hiệp hội ngành hàng, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Một phương thức doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro là thông qua doanh nghiệp dịch vụ logistics và coi đó như một van an toàn. Đơn cử, khi doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp logistics ở Việt Nam, đối tác ở Dubai sẽ có trách nhiệm giao chứng từ cho đối tác logistics ở Dubai chứ không phải giao cho người mua.

Đối tác đó sẽ làm nhiệm vụ giao lại cho người mua. Trong trường hợp này, kể cả người mua có bộ chứng từ vì bộ chứng từ không mang tên họ nên không thể lấy được hàng. Đây là một quá trình hiệu quả mà doanh nghiệp có thể thực hiện được trong tầm tay.

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp phải luôn chủ động nâng cao nhận thức thông qua việc làm việc với các đơn vị tư vấn luật hoặc luật sư trong suốt quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi tranh chấp xảy ra.

Để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp.

Các công ty này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm; trong đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp để xử lý. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần mua bảo hiểm cho hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp.

Mặt khác, doanh nghiệp cần yêu cầu giám định, kiểm định hàng hóa trước khi giao hàng (đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài).

Doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường. Cụ thể như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn...

Liên quan đến vụ việc này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thận trọng, đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn và cần tìm hiểu, xác minh doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần hạn chế sử dụng phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện T/T (Telegraphic Transfer) trả sau hay cầm cố séc (séc không có giá trị vì trong tài khoản không có tiền).

Đây là hình thức thanh toán rất rủi ro vì người mua nhận hàng rồi không thanh toán tiền, hoặc người mua không nhận hàng sẽ phát sinh chi phí kéo hàng về. Nếu là mặt hàng tươi sống, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí.

Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế

VTV.vn - Năm 2022, khoảng 50% số DN xuất khẩu được hỏi từng có nguy cơ bị rủi ro thương mại quốc tế, nghĩa là cứ 2 DN, có 1 DN đối mặt với việc giao hàng mà không nhận được tiền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước