Lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị và lãi suất tăng đang hạ thấp triển vọng phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: The New York Times)
Đồng thời WB cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 7/6, WB cho rằng nền kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau sự phục hồi ban đầu khỏi suy thoái toàn cầu trong hơn 80 năm qua. Sự sụt giảm trên diễn ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021 sau suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Cũng theo WB, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc, tăng vọt. Báo cáo cũng nhấn mạnh xung đột cùng những tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ, cùng những hậu quả đối với các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình và thấp.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB David Malpass khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine, việc Trung Quốc phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19, cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang "kìm hãm tăng trưởng". Đối với nhiều nước, suy thoái là điều khó tránh khỏi.
Người dân Anh mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: Getty Images)
Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm tương đồng giữa tình hình kinh tế hiện nay với những năm 70 của thế kỷ trước, khi tăng trưởng bị đình trệ và lạm phát tăng vọt, cùng các yếu tố nguồn cung đẩy giá nhiên liệu leo thang và lãi suất thấp duy trì một thời gian dài. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra các điểm khác biệt quan trọng giữa tình hình hiện nay với giai đoạn những năm 70, trong đó có có đồng USD đang rất mạnh và các thể chế tài chính lớn đang có vị trí vững chắc.
Bên cạnh đó, WB cũng cảnh báo nguy cơ của việc khống chế lạm phát gia tăng bằng biện pháp kiểm soát giá cả hoặc hạn chế xuất khẩu. Người đứng đầu WB khẳng định tính cấp thiết của việc khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại. Theo ông, để giảm thiểu rủi ro, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp đối phó với việc tăng giá dầu và lương thực, tăng cường xóa nợ cũng như nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu cũng dự báo tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế phát triển có thể giảm mạnh xuống còn 2,6% trong năm 2022 và còn 2,2% trong năm 2023, sau khi đạt mức 5,1% trong năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 6,6% trong năm 2021, cũng như thấp hơn mức trung bình hằng năm 4,8% trong giai đoạn từ năm 2011-2019. WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ thêm 1,2 điểm phần trăm xuống còn 2,5%, trong khi hạ 0,8 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống mức thấp bất thường là 4,3%. WB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống còn 2,5% và Nhật Bản còn 1,7%. WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2022 có thể giảm 11,3%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!