Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12, WB nhận định tình hình kinh tế Việt Nam đang cải thiện và Chính phủ cần hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy nhu cầu từ khu vực tư nhân cũng như giúp hồi phục kinh tế.
Theo WB, với sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã vượt mức ghi nhận cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 11, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 - tương đương mức của tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50, cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD. WB nhận định xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể là do các hoạt động chế biến, chế tạo phục hồi, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao.
Theo WB, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ cũng kéo theo vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tăng 71,2% trong tháng 11, sau khi giảm trong tháng 10, nhờ đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo phục hồi (tăng 40,2%).
Trong khi đó, ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% vào năm 2022. Ngân hàng này cho rằng động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất.
Cũng theo HSBC, lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam sẽ chứng kiến sự thay đổi tích cực khi người Việt Nam ngày càng chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch. Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục tiếp thêm động lực cho các hoạt động kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!