Đến thời điểm này, một trong 5 lĩnh vực của ngành GTVT là đường sắt đang có kết quả xã hội hóa gần như bằng 0 mặc dù đây được xem là nhiệm vụ sống còn để phát triển hạ tầng trong điều kiện ngân sách khó khăn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ ra lỗi thuộc về Tổng Công ty Đường sắt và các cơ quan tham mưu bởi chưa có giải pháp hiệu quả để kéo các nhà đầu tư về với mình. Tư duy lối mòn cơ chế “xin cho” trong thu hút đầu tư vẫn còn tồn tại cả trong phát triển dịch vụ và hạ tầng của ngành đường sắt.
Được kỳ vọng rất lớn, dự án xã hội hóa vé tàu điện tử, bước đột phá về dịch vụ của ngành đường sắt, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào tháng 6/2015. Thế nhưng, hiện tại vẫn chưa có kết quả mặc dù lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt đã nhiều lần xin lùi thêm thời gian hoàn thành. Đáng chú ý là vướng mắc lại chỉ nằm ở việc Tổng Công ty chậm đàm phán giá với nhà đầu tư.
Một ví dụ điển hình nữa là dự án xã hội hóa tại Ga Yên Viên, Hà Nội. Tháng 5/2015, một nhà đầu tư đã đàm phán để đầu tư nâng cấp bãi hàng tại ga. Nhà đầu tư đề xuất thuê đất trong 23 năm, thế nhưng Tổng Công ty Đường sắt chỉ cho phép 16 năm bởi lý do quy hoạch. Kết quả là nhà đầu tư đã xin rút lui.
Tại buổi làm việc kiểm điểm tiến độ thực hiện xã hội hóa của ngành đường sắt, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt cũng đã nhận lỗi về sự thiếu quyết liệt này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, một đất nước kéo dài như Việt Nam không thể không phát triển đường sắt. Xã hội hóa không có nghĩa là bán quyền sở hữu vì cơ quan Nhà nước vẫn giữ vai trò quản lý. Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng phải tính toán nhu cầu nâng cấp, xây mới hay đầu tư song song các tuyến đường sắt. Tháng 8 tới đây, dự án xã hội hóa đầu tiên là hệ thống bán vé điện tử sẽ phải hoàn thành. Tiếp sau đó, các dự án nâng cấp các ga đầu mối nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân cũng phải được gấp rút triển khai.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!