Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm sút, xanh hóa đang giúp doanh nghiệp có thêm lượng khách hàng mới. Xanh hóa theo chuỗi đang là lợi thế doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh.
Nhà máy này của Công ty CP Cao su Phước Hòa đã dành riêng một quy trình cho sản xuất xanh. Cụ thể, mủ cao su từ vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ được sản xuất theo quy trình xanh từ xe chuyên dụng chở mủ cao su, khu tiếp nhận… đến dây chuyển sản xuất. Thành phẩm đạt tiêu chuẩn xanh xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Đây là một trong các quy trình của chuỗi xanh hóa doanh nghiệp đang thực hiện.
Bắt đầu từ việc phấn đấu hơn 15.000 ha vùng nguyên liệu được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững làm cơ sở để thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất xanh cho sản xuất mủ cao su, gỗ nội thất, xanh hóa theo chuỗi đã giúp doanh nghiệp định vị được thương hiệu. Đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu về sản phẩm xanh nên dù giá bán cao hơn so với mặt bằng chung, đơn hàng xuất khẩu của đơn vị đã có đến năm 2024.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm sút, xanh hóa đang giúp doanh nghiệp có thêm lượng khách hàng mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tạo ra một hồ sơ xanh từ vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có chiến lược xanh hóa chuỗi cung ứng. Mỗi năm, tập đoàn sản xuất bình quân 320.000 tấn cao su các loại. Mục tiêu đến năm 2050, 100% diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững, làm cơ sở để toàn bộ nhà máy sản xuất như mủ, gỗ, sản phẩm cao su… có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Sản xuất xanh theo yêu cầu xuất khẩu
Còn với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu 9 tháng ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng theo Hiệp hội Chế biến Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành này đang có những tín hiệu phục hồi, tạo đà tăng tốc những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện thị trường có những biến chuyển nhanh, nếu không chuẩn bị trước và kịp thời đáp ứng, doanh nghiệp sẽ khó khăn ngay, ví dụ dễ thấy nhất là những đòi hỏi mới về mặt môi trường.
Vì vậy, bên cạnh việc chờ thị trường phục hồi, nhiệm vụ đặt ra với các doanh nghiệp hiện nay là đội ngũ phát triển sản phẩm, có nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.
Từ những lợi thế sẵn có, doanh nghiệp Việt đang có xu hướng điều chỉnh lại chuỗi cung ứng để xanh hóa. Ví dụ như ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ đã tận dụng việc có các chứng chỉ rừng bền vững nên đã nhanh chóng chuyển đổi quy trình để sản xuất.
Theo các doanh nghiệp, xanh hóa chuỗi cung ứng là một trong những lý do khiến đơn hàng của ngành gỗ tăng khoảng 7% so với quý trước. Cả năm nay, xuất khẩu gỗ và nội thất dự kiến cán mốc 14 tỷ USD.
"Hiện nay, chúng tôi đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang truyền thông cho doanh nghiệp có một bước chuẩn bị cho giảm phát thải. Đồng thời liên minh các doanh nghiệp, hiệp hội cùng các tổ chức khai thác lợi thế của thị trường tín chỉ carbon", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tận dụng những lợi thế sẵn có để tạo ra dòng sản phẩm xanh đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu góp phần giúp tăng trưởng nhanh và bền vững.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu thị trường tăng theo thông lệ, do thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu sửa chữa thay thế nội thất gia đình tăng để đón chào năm mới. Lợi thế cạnh tranh vẫn thuộc về các doanh nghiệp và sản phẩm có nguồn gốc xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!