Điểm đến của các dự án FDI tỷ USD
Sau khi cân nhắc gần 10 quốc gia tại Đông Nam Á, tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO đã chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu, và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của doanh nghiệp, với giá trị đầu tư hơn 1,3 tỷ USD.
"Đầu tiên là môi trường kinh doanh và sự ổn định chính trị của Việt Nam là những yếu tố tích cực khiến chúng tôi chọn xây nhà máy tiếp theo. Chúng tôi cũng được chia sẻ rất nhiều những giá trị mà tập đoàn đang theo đuổi với Chính phủ Việt Nam, như mục tiêu phát triển bền vững. Phải nói rằng đây không phải là đầu tư ngắn hạn, mà sẽ là đầu tư cho thế hệ tiếp theo. Chúng tôi cũng sẽ tạo ra việc làm mới và huấn luyện cho người lao động Việt Nam, bởi công việc trong nhà máy sẽ đòi hỏi kĩ năng cao", ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch Nhà máy LEGO Việt Nam cho biết.
LEGO xây nhà máy hơn 1,3 tỷ USD tại Việt Nam
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có gần 90 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 500 triệu USD. Quy mô đang có xu hướng tăng. Năm 2021 ghi nhận một số tập đoàn lớn tiếp tục mở rộng đầu tư với nguồn vốn tăng thêm hàng trăm triệu USD.
Một số tổ chức xúc tiến cho biết, đang có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao quan tâm đầu tư vào Việt Nam sau thông điệp theo đuổi phát triển bền vững của Chính phủ...
Theo ông HIRAI Shinji - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, khảo sát năm ngoái với doanh nghiệp tại Nhật Bản cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về độ phổ biến để đầu tư, chỉ sau Mỹ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt trên Trung Quốc trong khảo sát này.
"Trước đây doanh nghiệp Nhật thấy Việt Nam hấp dẫn nhờ lao động giá rẻ, tuy nhiên tư duy này đang thay đổi. Nhà đầu tư Nhật quan tâm Việt Nam vào khả năng tăng trưởng và quy mô thị trường rộng lớn. Việt Nam càng tăng trưởng bền vững thì cơ hội cho doanh nghiệp càng lớn", ông HIRAI Shinji cho biết.
Thu hút được vốn FDI là một phần, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, chính quyền địa phương cần kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoại. Tăng khả năng chuyển giao, lan tỏa công nghệ của khu vực FDI sang doanh nghiệp nội.
"Điều chúng tôi mong muốn là kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chỉ có phát triển doanh nghiệp trong nước, tận dụng lợi thế doanh nghiệp nước ngoài ở đây để mạnh dạn phát triển doanh nghiệp trong nước thì như vậy mới là phát triển bền vững", ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.
Năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng bất chấp COVID-19
Trong năm 2021 khi đại dịch diễn biến căng thẳng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng hơn 9% so với năm trước. Năm nay tính đến ngày 20/4, lượng vốn FDI giải ngân cũng đạt gần 6 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Lọc" vốn chất lượng cao
Dòng vốn FDI là nguồn lực quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên các báo cáo tổng hợp được công bố gần đây cho thấy hiệu quả của các dự án FDI hiện vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi những giải pháp mới để sớm cải thiện chất lượng nguồn vốn này.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy có gần 60% số doanh nghiệp FDI, tương ứng hơn 14.100 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2020. Đáng chú ý một số doanh nghiệp trong mảng viễn thông, phần mềm có doanh thu tăng, quy mô vốn đầu tư lớn và có sự mở rộng về quy mô nhưng vẫn báo lỗ. Còn theo Bộ Khoa học và Công nghệ, có đến 80% các doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình.
Giới chuyên gia cho rằng không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp lãi thật nhưng báo lỗ giả để tránh thuế. Tuy nhiên cần có sự phân tích bóc tách rõ ràng, tránh đánh giá sai về những doanh nghiệp FDI chịu khó khăn khách quan do đại dịch trong năm 2020.
Ngoài vấn đề hiệu quả kinh doanh, một số hạn chế của các dự án FDI cũng được các bộ ngành chỉ ra như hiệu quả sử dụng đất chưa cao, 80% doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp hiện sử dụng công nghệ chỉ ở mức trung bình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có dự thảo lấy kiến về một bộ tiêu chí cụ thể chọn lọc FDI lần đầu tiên của Việt Nam (Ảnh minh hoạ)
Để khắc phục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có dự thảo lấy kiến về một bộ tiêu chí cụ thể chọn lọc FDI lần đầu tiên của Việt Nam. Trong đó các tiêu chí về hàm lượng công nghệ cao, cam kết chuyển giao công nghệ... được các chuyên gia đặc biệt quan tâm.
"Không nên hướng đến câu chuyện ưu đãi quá mức, mà nên hướng đến một môi trường quản trị thân thiện, hợp tác, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp FDI. Chúng ta hướng đến lựa chọn FDI có công nghệ, từ đó mới có khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ FDI và thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài - Đại học UEH cho biết.
Giới doanh nghiệp góp ý, các tiêu chí cũng không nên quá cứng nhắc để bỏ qua cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
"Chúng tôi nghĩ bộ tiêu chí nên đảm bảo rằng không chỉ để thu hút các doanh nghiệp lớn, mà cả những doanh nghiệp vừa nữa. Đây là vấn đề quan trọng vì ở Châu Âu chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên nhìn chung, tôi cho rằng các tiêu chí chọn lọc phù hợp với doanh nghiệp Châu Âu", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đề xuất.
Bên cạnh việc nâng cấp "bộ lọc" FDI, các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục đầu tư, cải thiện những điểm yếu cố hữu của Việt Nam như cơ sở hạ tầng, chi phí logistics cao, thiếu nhân sự chất lượng cao... sẽ mang tính quyết định đến lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!