Trước hiện tượng tăng giá thuê tàu và container thời gian qua, hôm nay (15/1), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về hiện tượng bất cập chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trước tình trạng nêu trên; kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container.
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12/2020, Bộ Công Thương nhận định, việc tăng giá cước tàu biển, giá thuê container rất cao trong thời gian vừa qua gây ra tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như giãn cách xã hội khiến năng lực xử lý hàng của các cảng ở châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm, từ đó, các hãng tàu phải cắt giảm tuyến, gây thiếu hụt chuyển, chỗ chở hàng", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến năng lực sản xuất của các khu vực như Mỹ Latin, Đông Âu, Nam Á bị sụt giảm, do vậy Hoa Kỳ và châu Âu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu; cũng có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đóng mới và sửa chữa container, nhất là container chuyên dụng, do đó phải phụ thuộc vào lượng container của các hãng tàu nước ngoài.
Việc ứng dụng công nghệ để quản lý và thu gom container trong nước vẫn chưa được rộng rãi, chưa kết nối được giữa các doanh nghiệp logistics, đại lý hãng tàu và các doanh nghiệp chủ hàng có nhu cầu sử dụng container, dẫn đến tình trạng tồn đọng, khan hiếm container cục bộ.
Cũng theo Bộ Công Thương, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay đang áp dụng phương thức "bán FOB". Với phương thức này, người mua phải chịu chi phí thuê tàu và container, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chỉ trả các chi phí nội địa. Đây cũng là lý do việc tăng giá cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, việc hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ước tính chi phí lưu kho, lưu bãi bị đội lên từ 5 - 10% giá trị lô hàng. Không chuyển được hàng hóa, khách hàng không thanh toán dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục sản xuất do không thu được tiền về.
Bộ Công Thương thông tin, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng phương thức "bán C&F" hoặc "bán CIF", việc phải chi trả tăng thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD cho mỗi container khiến chi phí xuất khẩu tăng đột biến. Đây đều là các khoản chi không được dự tính trước, đặc biệt nếu mức tăng quá cao sẽ làm doanh nghiệp xuất khẩu thua lỗ, thiệt hại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!