Xuất khẩu cá ngừ tăng gần 40%

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 11/06/2024 15:09 GMT+7

VTV.vn - Trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản của nước ta ước đạt 870 triệu USD.

Trong đó xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá, kim ngạch đạt gần 100 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 400 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, cá ngừ đóng túi và cá ngừ nguyên con đông lạnh đều tăng gấp nhiều lần.

Hiện các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã tiếp cận được hơn 65 thị trường; trong đó, Mỹ, EU và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất.

Tăng hiệu quả nhờ đầu tư bảo quản sau đánh bắt

Có thể thấy là xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, đóng túi có xu hướng tăng trong khi các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh tăng trưởng chậm hơn. Trước tình hình này, cả ngư dân và các doanh nghiệp tại Nam Trung Bộ đã cùng nhau xây dựng chuỗi liên kết, trong đó chú trọng đầu tư vào khâu bảo quản để nâng giá trị cho sản phẩm.

Tại thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, những con cá ngừ được ngư dân đánh bắt cách đây gần 1 tháng. Nhưng khi đưa về cảng, về mặt hình thức, màu da cá, thịt cá đều tươi như vừa khai thác. Sở dĩ có được những con cá ngừ tốt như vậy vì ngư dân đã áp dụng cách thức bảo quản hải sản sau khai thác bằng công nghệ Nano.

"Chất lượng rất tốt, con cá sạch, khi chạy Nano có khí Nitơ trong nước đẩy vi khuẩn ra nên cá đi tầm mười mấy ngày vẫn như con cá đánh bắt lên", ông Nguyễn Văn Trang - phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định cho biết.

Xuất khẩu cá ngừ tăng gần 40% - Ảnh 1.

Phần lớn tàu cá xa bờ tại Nam Trung Bộ hiện chỉ tập trung vào việc lắp đặt thiết bị khai thác mà chưa chú trọng tới công nghệ bảo quản. Ảnh minh họa.

Không chỉ ngư dân tự đầu tư, mà thực tế một số doanh nghiệp đã hợp đồng với một nhóm tàu cá áp dụng công nghệ đánh bắt và bảo quản công nghệ cao.

Công ty Mãi Tín - Bình Định đã bỏ kinh phí đầu tư bể chứa, bảo quản cá ngừ sau khai thác, ngư dân đầu tư công nghệ bảo quản. Sản phẩm khai thác được cam kết thu mua với mức giá ổn định.

Ông Kosaburo Kimura - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín, Bình Định cho biết: "Công ty đang muốn phát triển cá ngừ vì cá ngừ rất ngon nhưng làm sao để có được nguồn nguyên liệu tốt thì đầu tiên cũng phải làm sao để tàu thuyền của ngư dân an tâm xuất bến".

Đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại đương nhiên giúp tăng hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư lại không hề nhỏ. Do đó, phần lớn tàu cá xa bờ tại Nam Trung Bộ hiện chỉ tập trung vào việc lắp đặt thiết bị khai thác mà chưa chú trọng tới công nghệ bảo quản. Chính vì vậy, hải sản sau khai thác dù đạt sản lượng, nhưng giá bán lại không cao.

Xây dựng chuỗi liên kết thủy sản bền vững

Việc đầu tư vào công nghệ bảo quản đã cho thấy hiệu quả cao, củng cố vững chắc chuỗi liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để chuỗi liên kết này có tính bền vững rất cần một chính sách cụ thể hỗ trợ công nghệ cao trong khai thác và bảo quản cá ngừ. Chỉ có như vậy bà con mới có thu nhập ổn định còn doanh nghiệp không lo thiếu nguyên liệu khi có đơn hàng lớn.

Tại tỉnh Bình Định, 2 năm nay, dù đã hình thành chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản với ngư dân. Nhưng số lượng chủ tàu tham gia mô hình này chưa cao, không ổn định. Nguyên nhân là mức giá thu mua có thời điểm chưa thuyết phục được ngư dân.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: "Hiện nay đa số các nơi đều thu mua theo kiểu mua xô mà khi bảo quản theo công nghệ Nano, sản phẩm tốt hơn rất nhiều nhưng giá mua chỉ cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg sẽ không thu hút ngư dân tham gia".

Xuất khẩu cá ngừ tăng gần 40% - Ảnh 2.

Đẩy mạnh các chuỗi liên kết chất lượng và hiệu quả lúc này là giải pháp cấp bách để đạt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD trong tương lai. Ảnh minh họa.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, cần phải bắt đầu bằng việc xây dựng chuỗi liên kết cùng có lợi giữa ngư dân với các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Đồng thời, vấn đề tín dụng cho khâu bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cũng cần phải được ưu tiên với những chính sách cụ thể, tạo động lực cho ngư dân tiếp tục đầu tư vươn khơi bám biển.

Ông Trịnh Quang Tú - Trưởng phòng Kinh tế chính sách, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho biết: "Dựa trên những quan hệ sẵn có, mình không phá vỡ sẽ cố gắng vận dụng vào những quan hệ đó để xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Trong mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ, vai trò của các tổ chức tín dụng đặc biệt là ngân hàng là rất quan trọng".

"Chúng tôi cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chú trọng hơn cho vay không có đảm bảo tức là cho vay tín chấp. Muốn thực hiện tốt vấn đề này thì đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải tăng cường hơn nữa về công tác thẩm định phân loại khách hàng", ông Trần Văn Trí - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Phú Yên thông tin.

Thiếu hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của ngành thủy sản cả nước. Trong khi, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạnh tranh quốc tế cũng là những vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Vì vậy, đẩy mạnh các chuỗi liên kết chất lượng và hiệu quả lúc này là giải pháp cấp bách để đạt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD trong tương lai.

Sản phẩm cá ngừ được xuất khẩu sang 80 thị trường Sản phẩm cá ngừ được xuất khẩu sang 80 thị trường Ứng dụng công nghệ bảo quản cá ngừ sau thu hoạch Ứng dụng công nghệ bảo quản cá ngừ sau thu hoạch Ngư dân trúng đậm cá ngừ đại dương Ngư dân trúng đậm cá ngừ đại dương

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước