Xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc

Vĩnh Phúc - Huỳnh Sang-Chủ nhật, ngày 15/09/2024 14:35 GMT+7

VTV.vn - Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng này ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.

Nuôi cá sấu tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó

Nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam phát triển hàng chục năm qua, các sản phẩm như thịt, da... có giá trị rất cao. Cá sấu rất dễ nuôi, người nuôi có thể tận dụng các sản phẩm động vật có thể bỏ đi để nuôi cá sấu. Hiện tại trên cả nước có 278 cơ sở nuôi cá sấu với 674.000 cá thể.

Trong đó, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển phong trào nuôi cá sấu. Thực tế đã có nhiều hộ "đổi đời" nhờ mô hình này. Song, chưa bao giờ người nuôi cá sấu ở khu vực này lại lao đao như thời gian gần đây.

Xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam phát triển hàng chục năm qua, các sản phẩm như thịt, da... có giá trị rất cao.

Nuôi hơn 1.500 con cá sấu thương phẩm đến kỳ xuất bán nhưng suốt mấy tuần qua, ông Bùi Văn Trắng vẫn chưa tìm được đầu ra. Mặc cho giá cá sấu đã giảm sâu, vẫn không có thương lái đến hỏi mua. Nuôi tiếp thì lỗ bỏ cũng không xong.

"Càng kéo dài thì chi phí càng lớn mà giờ doanh nghiệp chưa mua. Từ sau năm 2018 tới nay là nuôi lỗ. Nhiều gia đình thua lỗ phải bán đất. Bà con nghỉ nuôi nhiều", ông Trắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Trước năm 2019, nghề nuôi cá sấu ở Đồng Tháp rất phát triển nhưng sau đó thị trường bị thu hẹp. Đến nay toàn tỉnh chỉ còn 36 cơ sở nuôi. Số cá thể cũng giảm dần qua từng năm. Rất cần có thị trường ổn định để nghề nuôi cá sấu phát triển…".

Không chỉ ở Đồng Tháp, người nuôi cá sấu ở nhiều địa phương khác tại ĐBSCL cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự. Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu từng được mệnh danh là "thủ phủ" của nghề nuôi cá sấu, bởi có hàng ngàn hộ tham gia. Nhưng giờ đây, con số này đã giảm hẳn trong khi lượng cá sấu thương phẩm "ứ đọng" nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu.

"Từ sau đại dịch đến nay giá giảm rất mạnh chỉ còn 1/3 so với trước. Người nuôi thì bỏ ao, bỏ nghề. Doanh nghiệp thì phải gồng mình chịu đựng cho đến năm nay", ông Trương Thanh Mai - Giám đốc Công ty Crocodile Phương Tín, Bạc Liêu cho hay.

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Thời gian qua tình hình nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu có phần chậm lại do xuất khẩu khó khăn. Đời sống của bà con nuôi cá sấu khá bấp bênh".

Để gây dựng một đàn cá sấu hàng ngàn con cần phải mất nhiều năm. Dù rớt giá và chi phí thức ăn tăng cao nhưng không ít hộ nuôi ở ĐBSCL vẫn cố gắng cầm cự. Thứ nhất là để giữ giống, thứ hai là để bảo tồn nguồn gen chờ tình hình khả quan hơn.

Cơ hội xuất khẩu cá sấu chính ngạch sang Trung Quốc

Gần đây, tín hiệu vui đã đến với những người đang kiên trì với con cá sấu. Sau sầu riêng, dừa tươi thì cá sấu nuôi là mặt hàng tiếp theo của Việt Nam được ký kết nghị định thư xuất khẩu sang thị trường "tỷ dân". Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng này ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong nuôi cá sấu. Vừa qua, việc xuất khẩu cá sấu gặp khó khăn, nên nhiều địa phương, sở nuôi đã phải giảm quy mô sản xuất. Tuy nhiên, cá sấu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng có thể tiêu thụ thuận lợi.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Tuy còn phải đáp ứng những quy chuẩn nghiêm ngặt nhưng tôi tin tỉnh Đồng Tháp và các địa phương ĐBSCL nói chung sẽ đáp ứng được để đẩy mạnh xuất khẩu cá sấu".

Xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng này ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xuất khẩu được cá sấu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi, các cơ sở, doanh nghiệp được phép gây nuôi phải xây dựng được vùng nuôi và chăm sóc cá sấu và phải đáp ứng được các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư.

Ngoài các quy định về kiểm dịch động vật thì cá sấu còn được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

"Chúng ta đã có Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta cũng đã thống nhất được mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch và đã được CITES cấp mã số cho các cơ sở xuất khẩu. Cái khó khăn nhất hiện nay là chúng ta phải chứng minh được cá sấu không mắc phải 3 loại bệnh: Thứ nhất là bệnh virus Tây sông Nile; Thứ hai là bệnh Herpesviru;. Thứ ba là nhiễm Salmonella", ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: "Giá trị của con cá sấu rất lớn. Khi triển khai được nghị định thư này sẽ bổ sung cho sản lượng và giá trị xuất khẩu, đặc biệt là sau cơn bão số 3. Có thêm con cá sấu cùng với dừa và sầu riêng đông lạnh thì chúng ta sẽ đảm bảo được chỉ tiêu xuất khẩu 2024".

Hiện quy trình nuôi từ chăm sóc, ấp nở cá sấu… Việt Nam đã làm chủ. Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất chuẩn bị tốt nhất cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cơ hội này đang mang đến hy vọng tươi sáng cho ngành hàng cá sấu Việt Nam.

Sẵn sàng đưa dừa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Sẵn sàng đưa dừa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Doanh nghiệp chuẩn bị đón cơ hội khi dừa tươi, sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Doanh nghiệp chuẩn bị đón cơ hội khi dừa tươi, sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Cà phê nâng giá trị nhờ xuất khẩu chính ngạch Cà phê nâng giá trị nhờ xuất khẩu chính ngạch

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước