Xuất khẩu khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức

VTV Digital-Thứ ba, ngày 05/07/2022 11:22 GMT+7

VTV.vn - Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm ghi nhận nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp trong nửa cuối năm.

6 tháng đầu năm, xuất khẩu bứt tốc

6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 371 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, cán cân thương mại của nước ta đã nghiêng về xuất siêu với giá trị đạt 710 triệu USD. Đây được đánh giá là một kết quả khả quan, thể hiện sự hồi phục của kinh tế Việt Nam và cũng là nền tảng để tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Tính chung 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã đạt kết quả khả quan về xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đạt hơn phân nửa mục tiêu của cả năm.

Xuất khẩu khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước đã đạt kết quả khả quan về xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Cũng bứt tốc trong nửa đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng thuỷ hải sản đã tăng trưởng 40% so với cùng kì năm ngoái, ước đạt gần 5,8 tỷ USD. Một phần lý do đến từ việc thay vì sản xuất đơn lẻ, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển đổi sang mô hình liên kết với các nhà máy, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng các thị trường khó tính.

Thống kê 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt gần 56 tỷ USD. Tiếp theo là thị trường EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thách thức cho xuất khẩu nửa cuối năm

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, những kết quả xuất khẩu khả quan đến từ việc doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Cùng với đó, Việt Nam ngày càng tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA.

Tuy nhiên trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị và tình hình lạm phát thế giới tăng cao cũng còn nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm.

Dự báo nửa cuối năm nay, nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng nhận định, các đơn hàng có thể sẽ chững lại do lạm phát thế giới ở mức cao. Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến sức mua nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm sút, ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong nửa cuối năm.

Xuất khẩu khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Cũng bứt tốc trong nửa đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng thuỷ hải sản đã tăng trưởng 40% so với cùng kì năm ngoái, ước đạt gần 5,8 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu chững lại đã là khó khăn nhưng cân đối để làm sao có lãi đối với những đơn hàng đã ký lại càng khó hơn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng giá thành sản phẩm đã ký hợp đồng từ trước lại rất khó thay đổi.

Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều thị trường lớn vẫn đang tiếp diễn, cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nửa cuối năm nay.

Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo mục tiêu 2022?

Trong bối cảnh khó dự báo về tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp để chủ động nguyên liệu sản xuất, vừa đảm bảo đáp ứng đủ về đơn hàng, vừa cân bằng doanh thu - lợi nhuận.

"Ngoài việc bám sát về thông tin và diễn biến thị trường, còn phải nắm vững yêu cầu về thị trường nước nhập khẩu hàng hóa của mình để có thể điều chỉnh những sản phẩm xuất khẩu phù hợp. Trong bối cảnh diễn biến thị trường khó khăn, các quốc gia cũng điều chỉnh các chính sách của họ. Khi họ điều chỉnh các chính sách này, chúng ta cũng phải nắm bắt rất kịp thời", bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: "Những địa bàn chính của thị trường thế giới chiếm 90% lượng hàng hóa dệt may thế giới, chúng ta đều đã có mặt. Khái niệm thị trường mới với dệt may Việt Nam nó không phải là một cái tên mới, quốc gia mới mà đó là sự ra nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu khi trước đây chúng ta chỉ làm gia công khi thuận lợi. Bây giờ chúng ta trở thành những thành viên ưu tiên trong chuỗi đó để không phải tăng về lượng mà quan trọng tạo sự bền vững".

Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp dệt may tìm cách gỡ khó Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp dệt may tìm cách gỡ khó

VTV.vn - Nguyên phụ liệu liên tục tăng cao, lương công nhân cũng không thể điều chỉnh giảm, điều này đã khiến các DN dệt may đầy đủ đơn hàng vẫn đau đầu lên kế hoạch sản xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước