Ngành thuỷ sản cần làm gì để chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 10/09/2021 06:11 GMT+7

VTV.vn - Khó khăn đang bủa vây ngành thủy sản, các doanh nghiệp, người nuôi trồng sẽ phải ứng phó như thế nào để duy trì chuỗi sản xuất?

Xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm tới 36% so cùng kỳ, tháng này dự báo giảm tiếp 20%. Hơn một nửa số nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long phải đóng cửa. Khoảng 60% số doanh nghiệp thủy sản khó khôi phục lại sản xuất sau giãn cách.

Ngành thủy sản nỗ lực duy trì chuỗi sản xuất

Quá nửa số nhà máy chế biến cá tra đã phải đóng cửa tại Đồng bằng Sông Cửu Long hay chỉ có 30 đến 40% doanh nghiệp thủy sản còn đủ sức để phục hồi sản xuất sau giãn cách. Những con số trên vừa được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra.

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính yếu là do thiếu hụt lực lượng lao động khi mà triển khai 3 tại chỗ chỉ đáp ứng 40% công suất. Trong khi đó, chi phí đội lên cao gấp đôi, thiếu nguyên liệu, vật tư đầu vào... cũng làm sản xuất đình trệ.

Ngành thuỷ sản cần làm gì để chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.

Trong sáng 9/9, tại hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, các doanh nghiệp và địa phương có hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản đồng loạt kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước, để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương. Điều mong mỏi nhất của doanh nghiệp bây giờ là được khôi phục lại sản xuất nhờ vào những cơ chế chính sách linh hoạt sau thời gian dài giãn cách

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ để doanh nghiệp hoạt động trở lại

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sau 2 tháng thực hiện 3 tại chỗ đã gặp không ít khó khăn do năng suất thấp mà chi phí tăng cao. Họ kiến nghị doanh nghiệp chỉ cần tầm soát 1 tuần/lần test SARS-CoV-2 20% tổng số công nhân thay vì 100% như hiện nay. Đặc biệt, họ lên phương án vùng sản xuất đệm, tách biệt hẳn với khu sản xuất 3 tại chỗ hiện có, để mở rộng sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu ngày càng nhiều từ nay đến cuối năm

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp các địa phương, nên xem xét cho phép doanh nghiệp mở rộng "3 tại chỗ" khi đủ điều kiện; chuyển từ phương án "3 tại chỗ" sang phương án "1 cung đường, nhiều điểm đến", tăng cường ưu tiên tiêm vaccine theo các ngành hàng sản xuất.

Tính đến cuối tháng 8, theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản có tới 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn, 15% đơn hàng phải hủy. Nhìn những con số trên để thấy rằng việc lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản của các cơ quan quản lý lúc này là vô cùng cần thiết. Gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng nghĩa tìm lối thoát cho người nuôi trồng thủy sản.

Hiện giá tôm, giá cá tra giảm mạnh, nguồn vốn cạn kiệt, nhiều người nuôi đã không dám tái sản xuất. Để đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu cho chế biến thủy sản những tháng cao điểm cuối năm thì nhiều địa phương, doanh nghiệp đang tìm cách hỗ trợ người nông dân duy trì sản xuất.

Cần hỗ trợ người nông dân tái sản xuất nuôi trồng thủy sản

Cà Mau là một trong những tỉnh có sản lượng tôm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 giá tôm đã giảm tới 30% và diện tích thả nuôi vụ mới hiện chỉ đạt 1/3 so với cùng kỳ. Để thích ứng với tình hình dịch còn phức tạp, tỉnh này khuyến nghị người nuôi không nên bỏ ao, mà vẫn vẫn thả nuôi nhưng mật độ nuôi thưa và kéo dài thời gian thu hoạch.

Ngành thuỷ sản cần làm gì để chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng? - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến tôm. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo người nuôi thả nuôi thưa, kéo dài vụ thu hoạch, tăng giá trị".

Cũng theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, do nguồn nhân công gặp khó nên họ chuyển sang chế biến tăng cường tôm size lớn để duy trì sản lượng. Hơn nữa từ nay đến cuối năm nguồn cầu các loại tôm chế biến size lớn từ thị trường Mỹ và EU khá lớn nên việc bà con kéo dài vụ thu hoạch, nuôi mật độ thưa ra là cần thiết

Còn theo các doanh nghiệp nuôi tôm giống, họ chủ động giảm giá tôm giống tới 60% cũng là cách hỗ trợ người nuôi.

Ngoài ra, theo các hiệp hội, hiện vốn để của người nông dân tái sản xuất là không còn, chỉ trông chờ nguồn vốn từ ngân hàng và các đại lý thu mua, nên nếu có chính sách ưu đãi vốn cho đại lý thì cũng là cách giúp người nuôi trồng thủy sản.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi sản xuất sau giãn cách, mới đây, cộng đồng các doanh nghiệp thủy sản cũng đã có thêm những kiến nghị như giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 6 tháng cuối năm nay, đề xuất dừng thu phí, điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, khu công nghiệp hay giảm phí công đoàn… Như vậy, một loạt kiến nghị đề xuất giải pháp từ ngắn hạn đến trung hạn đã được các doanh nghiệp, địa phương đưa ra, nhằm đảm bảo mục tiêu xuất khẩu thủy sản cả nước năm nay vẫn đạt khoảng 8,5 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước