Tính đến sáng 8/2, trên địa bàn Lạng Sơn có gần 1.200 xe hàng đang chờ làm thủ tục thông quan sang thị trường Trung Quốc. Trong đó có gần 1.000 xe hoa quả tươi, chủ yếu là thanh long, mít, dưa hấu, xoài...
Từ 3/2 đến hết ngày 7/2, trên 500 xe đã được thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với số lượng tương đương khoảng 8.000 tấn hàng hóa các loại, trong đó chủ yếu là nông sản.
Hoạt động xuất khẩu nông sản đầu năm diễn ra hanh thông, thuận lợi. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Số lượng xe xuất khẩu nông sản ngày một tăng lên, từ chỗ chưa đến 100 xe trong ngày đầu thông quan, đến ngày 8/2 đã xuất được gần 130 xe.
Gia tăng nông sản đưa lên biên giới
Những ngày gần đây, trên 300 xe vận chuyển hàng mới, chủ yếu là nông sản từ nhiều tỉnh, thành phố đã đến thẳng các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã mở cửa, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu từ mùng 3 Tết, sớm hơn so với năm 2021 tới 4 ngày.
Từ hôm thông quan trở lại, bình quân mỗi ngày xuất khẩu nông sản được gần 100 xe container, với các loại nông sản gồm: xoài, mít, thanh long. Trong bối cảnh hai bên tăng cường công tác phòng chống dịch, hoạt động xuất khẩu nông sản đầu năm diễn ra hanh thông, thuận lợi.
"Năm nay thông quan sớm khoảng 3 - 4 ngày. Ban quản lý, biên phòng, hải quan cũng nắm bắt được tình hình, thu xếp nhanh cho doanh nghiệp chúng tôi", chị Hoàng Thị Lê, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đức Phong, chia sẻ.
Trong thời điểm Tết và sau Tết Nguyên đán, số lượng xe nông sản lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn đạt con số khá lớn. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng của địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ và tạo điều kiện để xuất khẩu được tốt nhất.
Xe nông sản chờ thông quan qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài. (Ảnh: TTXVN)
"Trong những ngày Tết vừa qua, chúng tôi đã huy động cán bộ công chức hải quan hỗ trợ doanh nghiệp sang tải hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được giải phóng hàng một cách nhanh nhất", ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn, cho biết.
Các cửa khẩu đường bộ của Lạng Sơn là điểm kết nối xuất nhập khẩu quan trọng của cả nước và khu vực ASEAN với thị trường Trung Quốc. Những thuận lợi đầu năm ngay lập tức thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước đưa nông sản lên biên giới.
Hiện tỉnh Lạng Sơn vẫn đang nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, tạo luồng xanh, vùng xanh an toàn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương qua cửa khẩu
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sau khi thành phố Móng Cái, Quảng Ninh hội đàm với TP Đông Hưng (Trung Quốc), lịch nghỉ Tết và lịch hoạt động thông quan cũng đã được điều chỉnh. Hàng hải sản tươi sống và nhiều hàng hóa khác đã được thông quan từ mùng 3 Tết.
Với những kết quả đạt được, các ngành chức năng ở Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục công khai, minh bạch các khoản thu phí, thủ tục thông quan, "nói không" với những tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường hỗ trợ, tạo mọi điều kiện với mục tiêu cao nhất là đẩy mạnh thông thương hàng hóa.
Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh đã kiểm soát, duy trì tốt việc lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với hàng hóa, lái xe trung chuyển, doanh nghiệp, cư dân biên giới ra vào khu vực cửa khẩu, lối mở; thực hiện phân luồng, đưa hàng hóa tồn đọng tại địa bàn thành phố đến các cửa khẩu khác hoặc thay đổi cách thức xuất khẩu.
Về lâu dài, trong năm nay thành phố Móng Cái sẽ tiến hành xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương tại lối mở Km3+4 Hải Yên để hỗ trợ xuất khẩu nông, lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); cảng Vạn Ninh; nâng cấp lối mở thành cửa khẩu chính giữa hai nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố Móng Cái, mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh cửa khẩu, Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trên tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, khoảng cách địa lý giữa các cảng lại khá gần, trong khi nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa hai nước liên tục tăng.
Hiện có khoảng 30 hãng có tàu chạy tuyến từ Việt Nam qua Trung Quốc. Không chỉ các hãng tàu của khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc... mà có cả các hãng tàu từ châu Âu. Đây là cơ hội thuận lợi cho các hãng tàu nhỏ của Việt Nam có thể tham gia khai thác và phát triển đội tàu trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!