Xuất khẩu rau quả hướng tới kỷ lục mới

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 01/07/2024 14:28 GMT+7

VTV.vn - Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức 29,2 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức 29,2 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và các sản phẩm gỗ. Trong đó, gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Những con số trên cho thấy tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiếp tục ổn định, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong đó, xuất khẩu rau quả tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tăng hơn 28% so với cùng kì năm ngoái. Với nguồn cung dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, các doanh nghiệp nước ta kỳ vọng có thể lập thêm kỷ lục mới trong năm nay.

Sầu riêng, thanh long, chuối... đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm. Bên cạnh các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Sản lượng về rau quả tăng lên khoảng 6%/năm. Lượng cung rất lớn và ổn định. Thứ hai là nhu cầu của thị trường thế giới tăng lên, từ nay đến hết năm 2024 ngành rau quả Việt Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi để phát triển".

Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả khi hơn 10 loại quả đã thuận lợi xuất khẩu chính ngạch. Vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán Nghị định thư mới về mở cửa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt và dừa tươi, dự kiến ký kết trong nửa cuối năm.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ. Vừa rồi, chúng ta đã kết thúc đàm phán sầu riêng đông lạnh, dừa, ký được với Trung Quốc. Đó chính là thời cơ của chúng ta để có thể xuất khẩu nông sản với khối lượng và giá trị nhiều hơn".

Thị trường rộng cửa, nhưng chất lượng hàng rau quả lại chưa ổn định. Vẫn còn một số lô hàng bị cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) đã được Chính phủ phê duyệt, mở ra công cụ mới để thúc đẩy chất lượng rau quả xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến: "Không chỉ đảm bảo nghĩa vụ minh bạch hóa mà ở đây còn phải tăng cường năng lực cho việc đáp ứng các yêu cầu về mặt khoa học trong việc áp dụng các biện pháp SPS hay phản hồi lại với các biện pháp SPS mà các nước áp dụng".

Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, ngành rau quả tự tin có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.

Xuất khẩu rau quả hướng tới kỷ lục mới - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế

Thay đổi để đạt mục tiêu xuất khẩu

Với sản lượng nông sản ổn định và nhu cầu của thị trường tăng cao trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tự tin hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, thậm chí có thể vượt cột mốc này.

Có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, những nút thắt cần tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu. Điều này đòi hỏi những thay đổi từ bà con nông dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.

Gần đây, những thông tin về doanh nghiệp bỏ thầu gạo xuất khẩu giá thấp đã gây biến động trong thị trường. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều giảm. Nếu không có những giải pháp quản lý hoạt động xuất khẩu kịp thời, hạt gạo Việt sẽ khó tận dụng lợi thế xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Ấn Độ từ giờ đến cuối năm gỡ bỏ lệnh ngừng xuất khẩu gạo trắng nếu có xảy ra thì đương nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có những tác động rõ rệt thêm lượng gạo xuất khẩu ít có ảnh hưởng hơn".

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra ý kiến: "Chúng ta khó để ban hành các biện pháp bình ổn giá gạo như lập giá sàn hay đưa ra quota cứng nhắc. Các hiệp hội ngành hàng nếu tập hợp tốt, có nhiều giải pháp phi Nhà nước như cảnh báo, chia sẻ thông tin".

Ngành nông nghiệp Việt đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những luật lệ mới, nghiêm ngặt từ các thị trường lớn trên thế giới. Không chỉ dừng ở đảm bảo an toàn thực phẩm, nông sản giờ đây còn phải bền vững, giảm thiểu rủi ro, chống khai thác bất hợp pháp. Những tiêu chuẩn này đang tác động đến hầu hết sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt nhanh chóng, đầy đủ để thực hiện hiệu quả.

Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết: "Các quy định về chống phá rừng, kiểm soát nhóm 7 mặt hàng nông sản tạo ra thách thức rất lớn, thu thập thông tin, đặc biệt doanh nghiệp nước ta chủ yếu là tư doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Các nguồn cung sản phẩm được thu thập từ số lượng hộ gia đình, hộ sản xuất rất lớn".

Căng thẳng cước tàu biển tăng cũng là rào cản của nông sản Việt. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gần như lệ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài. Đây là điểm yếu cần sớm được quan tâm, tháo gỡ, để hoạt động xuất khẩu được chủ động, hiệu quả và bền vững hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước