Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 11 tỷ USD năm 2025

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/12/2024 13:22 GMT+7

VTV.vn - Ngành thủy sản đã có cú vượt khó ngoạn mục khi năm nay đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hồi phục trở lại mức trên 10 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản năm 2024 ước đạt trên 10 tỷ USD

Ngành nông nghiệp nước ta đang đi đến những ngày cuối năm 2024 với nhiều điểm sáng, đặc biệt là ghi nhận những kết quả bứt phá của lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản với vị thế mới trên 62,5 tỷ USD. Trong đó, riêng ngành thủy sản đã có cú vượt khó ngoạn mục khi năm nay đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hồi phục trở lại mức trên 10 tỷ USD.

Trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới nhiều thách thức như lạm phát ở các nước lớn, dù được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%; các loại cá khác thu về gần 2 tỷ USD; ngoài ra là đa dạng sản phẩm từ mực, bạch tuộc, cua ghẹ, các loại nhuyễn thể đều có kết quả tích cực. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Những kết quả tích cực của năm nay cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngành thủy sản một năm nỗ lực vượt khó

Với kim ngạch ước đạt trên 10 tỷ USD, năm nay xuất khẩu thủy sản nước ta tương đương tăng 12% so với năm ngoái, đứng ở vị trí thứ ba trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. Thành tích ấn tượng này là kết quả của tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp và toàn ngành để vượt qua mọi khó khăn thách thức nhất là thách thức từ thị trường bên ngoài.

Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 11 tỷ USD năm 2025 - Ảnh 1.

Với kim ngạch ước đạt trên 10 tỷ USD, năm nay xuất khẩu thủy sản nước ta tương đương tăng 12% so với năm ngoái

Ngay từ nửa đầu năm, nhận thấy có chuyển biến tích cực ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu nên doanh nghiệp này đã tận dụng để tăng tốc những tháng cuối năm. Nhờ vậy, xuất khẩu của đơn vị đã tăng từ 5%-10% so với năm 2023.

Tận dụng sự hồi phục của thị trường để tăng tốc cũng là giải pháp giúp xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt con số ấn tượng: hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đóng góp đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra mang về 2 tỷ USD.

Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang cho biết: “Bán những sản lượng chúng ta có thì tôi nghĩ giá sẽ tốt hơn và sản lượng cũng tốt hơn, đạt được kim ngạch 2 tỷ”.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Với sản phẩm tôm, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng hiện nay chúng ta chiếm khoảng hơn 50%. Đây là một con số mà không phải quốc gia nào cũng làm được và chúng ta cũng có điều kiện để có thể cạnh tranh được. Trong hoàn cảnh như vậy, đó là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh”.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xanh hoá chuỗi cung ứng, tăng cường công tác chuyển đổi số trong nuôi trồng và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp thủy sản Việt tăng sức cạnh tranh và tận dụng tối đa các lợi thế để duy trì đà tăng trưởng.

Ông Vũ Đức Trí - Phó Tổng Giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Việt Úc nêu ý kiến: “Nhu cầu các đơn hàng có chất lượng cao từ những thị trường lớn của thế giới vẫn có. Đó là cơ hội không riêng Việt Nam mà cả thế giới nắm bắt được điều đó”.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Chiến lược thủy sản Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 339. Để triển khai chiến lược này, có 12 đề án đã và đang triển khai rất quyết liệt, tích cực. Trong bối cảnh rất khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn cán đích 10 tỷ USD, thậm chí nếu công bố vào ngày 6/1 là trên 10 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp”.

Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường. Đặc biệt, tập trung nâng cao trình độ chế biến sâu, đây là cơ sở để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 khi tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD.

Nâng cao chất lượng hải sản chế biến xuất khẩu

Cùng với hải sản tươi sống, hải sản khô cũng là sản phẩm xuất khẩu được ưa chuộng tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và EU. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến đang hoạt động trên lĩnh vực này tiếp tục tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hải sản khô phục vụ xuất khẩu cuối năm nay và đầu năm mới.

Để đáp ứng các đơn hàng cuối năm cho thị trường Trung Quốc, Malaysia, Singapore và cả châu Âu, công ty này phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc. Vào lúc cao điểm, mỗi tháng, công ty xuất khẩu 1.500 tấn thành phẩm, tương ứng với lượng nguyên liệu khoảng 6.000 tấn cá. Do đó, nhằm đảm bảo yêu cầu khắt khe từ các thị trường, công ty phải đầu tư hệ thống kho lạnh, máy hấp cá.

Bà Trịnh Thị Loan - Giám đốc Công ty Thủy sản khô Gia Bảo, Ninh Thuận cho biết: “Từ khâu nguyên liệu đến chế biến ra sản phẩm, phải an toàn nước sạch, môi trường sạch. Thứ hai là sân phơi và đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Còn với hợp tác xã sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh, tỉnh Bình Định, 4/10 sản phẩm của đơn vị hiện đã đạt chuẩn OCOP 5 sao. 30% sản phẩm tiếp cận được thị trường xuất khẩu thông qua các đơn vị trung gian. Không chỉ tìm nguồn nguyên liệu chế biến đạt chuẩn, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống sấy năng lượng mặt trời khép kín, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Mai Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Hải sản Hương Thanh, Bình Định chia sẻ: “Công nghệ khép kín nên mình phơi trên giàn phơi năng lượng rất sạch, không có cát sạn. Có nhiều đơn vị ở nước ngoài cũng muốn hợp tác với mình”.

Năm 2024, các sản phẩm thủy sản chế biến, bao gồm cả thủy sản khô, có mức tăng trưởng đáng kể nhờ sự hồi phục nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm thủy sản khô thường hướng đến các thị trường có nhu cầu cao về thực phẩm tiện lợi và lâu dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước