Cá thể gấu được cán bộ Trung tâm kiểm tra trước khi chuyển giao về Trung tâm cứu hộ. (Ảnh: ENV)

Theo ENV, ngày 1/4/2016, đường dây nóng 1800 – 1522 của đơn vị này đã tiếp nhận một cuộc gọi thông báo về một cá thể gấu ngựa bị nuôi nhốt tại một hộ dân trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Đối chiếu với danh sách gấu nuôi đã được đăng kí tại các địa phương, cán bộ ENV phát hiện cá thể gấu trên chưa được gắn chip quản lý.

Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin cần thiết và cử tình nguyện viên xuống tận nơi xác nhận, ENV đã nhanh chóng chuyển giao những thông tin này cho cơ quan chức năng huyện Đông Anh. Tuy nhiên, do gặp khó khăn từ nhiều phía, phải sau bảy tháng, hộ gia đình này mới tự nguyện chuyển giao cá thể gấu.

Việc người nuôi tự nguyện chuyển giao gấu sau nhiều năm nuôi giữ cho thấy đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động này.

“Hoạt động nuôi nhốt gấu vì mục đích trích hút mật là mối đe dọa lớn nhất với các loài gấu trong tự nhiên tại Việt Nam. Chỉ khi nhu cầu tiêu thụ mật gấu giảm tới mức tối đa và tình trạng nuôi nhốt gấu vì mục đích trích hút mật chấm dứt hoàn toàn thì gấu mới được trả lại cơ hội sống và phục hồi trong tự nhiên”, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV cho biết.

Được biết cá thể gấu ngựa này nặng khoảng 200 kg, được nuôi từ hơn chục năm nay với mục đích ban đầu là lấy mật. Tuy nhiên khi hoạt động này bị cấm, gia đình không còn thực hiện việc trích hút mật nữa mà nuôi như vật cảnh. Hiện cả nước vẫn còn 1.245 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại 430 trang trại trên cả nước. Hi vọng với những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội, những điển hình chuyển giao gấu tự nguyện như hộ dân này sẽ được nhân rộng./.

BL