Tham dự Tọa đàm có các khách mời: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN và PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội.

 

Tại buổi Tọa đàm "Nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ" - Ảnh: VA

Mở đầu buổi tọa đàm, một câu hỏi nóng đã được gửi đến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Có một thực tế rõ ràng là chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều và có thể “vàng thau” lẫn lộn. Nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết... nhưng nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ. Liệu có phải do đào tạo tiến sĩ hiện đang chạy theo số lượng và xem nhẹ chất lượng. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về nhận định này?”.

Nêu quan điểm của mình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Trước hết phải ghi nhận các cơ sở đào tạo đã nỗ lực để đào tạo nhiều tiến sĩ chất lượng trong điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu và đào tạo trong nước còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên vẫn có cơ sở đào tạo chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng.

Thực tế, nghiên cứu sinh là các nhà nghiên cứu, sản sinh ra tri thức, trí tuệ mới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ, mục tiêu, không xác định rõ tầm, mức hoạt động nghiên cứu của bậc đào tạo tiến sĩ. Ngoài ra, mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện cũng rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của thế giới.

Cũng chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong đào tạo tiến sĩ khiến dư luận bức xúc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo (ĐHQGHN) bày tỏ: Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo Phó Tiến sĩ trong nước. 6 năm sau đào tạo tiến sĩ, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng tiến sĩ rất tốt.

Trải qua một thời gian dài, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay đang dần tiếp cận với các chuẩn mức của quốc tế. Có nhiều nghiên cứu sinh trong nước hiện nay có nhiều bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín. Nhiều cơ sở đào tạo cũng đã nỗ lực hướng tới việc đào tạo chất lượng. Nhưng phải thừa nhận vẫn có những luận án chưa có chất lượng, chưa đạt yêu cầu.

Thêm nữa, nhiều cơ sở đào tạo chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, lỏng lẻo trong quản lý và thẩm định đề tài, luận án dẫn tới tình trạng có những luận án Tiến sĩ chưa đạt.

Còn theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, có điểm khác biệt trong đào tạo tiến sĩ hiện nay so với trước đây, đó là, trước đây, đa số tiến sĩ của Việt Nam đều được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô. Còn hiện tại, tiến sĩ chủ yếu được đào tạo trong nước. Vì vậy, cần phải đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chất lượng tương đương với các nước trên thế giới.

Đề cập đến tiêu chuẩn tiến sĩ, GS.TSKH Trần Văn Nhung cho rằng Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng có nhiều điểm mới đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước hết cần phải đưa ra được định nghĩa đầy đủ về khái niệm tiến sĩ. Trên thế giới, các nước đều có định nghĩa rất rõ ràng về tiến sĩ.

“Tiêu chuẩn tiến sĩ cần đỏi hỏi cụ thể. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch. Bộ GD&ĐT nên cụ thể hóa thế nào là tiến sĩ, với các tiêu chí rành mạch hơn nữa sẽ thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thực hiện” - GS.TSKH Trần Văn Nhung đề xuất.

Trước vấn đề “đạo văn” trong nghiên cứu mà dư luận quan tâm, GS.TSKH Trần Văn Nhung cho rằng không có phần mềm nào thay thế được con người trong phát hiện “đạo văn”.

“Một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án có khi không nguy hiểm bằng trường hợp ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình” - GS.TSKH Trần Văn Nhung nói - Để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cách tốt nhất là tận dụng cách làm của thế giới. Đó là yêu cầu về bài báo công bố quốc tế. Bởi lẽ bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín sẽ phải trải qua những vòng phản biện rất chặt chẽ.

GS.TSKH Trần Văn Nhung đề xuất, cần có hội đồng tư vấn chất lượng khoa học tầm quốc gia tham gia đánh giá chất lượng khoa học các luận án. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, không phải Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ làm đúng vai trò quản lý Nhà nước./.

Mỹ Anh