Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: BL)

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, hậu quả của năng lượng nguyên tử cũng gây cho nhân loại những lo lắng và ảnh hưởng nặng nề nhưng thế giới sẽ không như ngày nay nếu không có những ứng dụng của năng lượng nguyên tử. Đối với những nước đã và đang phát triển, năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng sâu rộng và ngày càng phổ biến. Đối với các quốc gia đi trước, ngành năng lượng nguyên tử được coi như một đầu tàu để kéo theo sự phát triển của các ngành khác.

Ở Việt Nam, năng lượng nguyên tử là một ngành rất mới nên các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các viện, trường... đang nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp quy, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng của ngành năng lượng nguyên tử cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng trong điều trị, chiếu xạ, thực phẩm, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường... nên không còn xa lạ trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

TS. Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, cả nước hiện có 1.169 cơ sở bức xạ, sử dụng 6.877 nguồn phóng xạ, trong đó, công nghiệp chiếm 55%, cơ sở kinh doanh chiếm 22%, y tế chiếm 6%... Trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Hiện cả nước có 32 cơ sở y học hạt nhân với 43 thiết bị xạ hình. Các kĩ thuật xạ hình bằng SPECT và SPECT/CT đang được thực hiện có hiệu quả cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm trong điều trị ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, tiêu hoá, hô hấp, xương khớp... Ngoài ra, cả nước còn 25 cơ sở xạ trị với 53 máy xạ trị (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm trên 30 máy), sử dụng trong điều trị ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính khó can thiệp bằng phẫu thuật thông thường như u não, u tuyến giáp...

GS.TS Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ung thư gia tăng nhanh chóng. Việt Nam đã có nhiều thiết bị sử dụng bức xạ ion hoá hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ trình độ cao, thực hiện được các kĩ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến như xạ trị trong chọn lọc hạt vi cầu phóng xạ Y-90, xạ phẫu bằng dao gamma quay, cấy hạt phóng xạ....Tuy nhiên, số trang thiết bị này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần trang bị thêm 60 máy xạ hình và khoảng gần 50 máy xạ trị. Không chỉ vậy, nước ta hiện nay đang thiếu dược chất phóng xạ. Thống kê cho thấy, tổng nhu cầu dược chất phóng xạ trong y tế của nước ta hiện nay là gần 1400Ci/năm, trong khi Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt chỉ đáp ứng được gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron có thêm khoảng 250Ci/năm. Việc nâng công suất đối với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt không thực hiện được do các lò phản ứng nghiên cứu đã vận hành đến mức tối đa.

Ở nhiều quốc gia, ứng dụng năng lượng nguyên tử có đóng góp rất  lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai lĩnh vực: dứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ và điện hạt nhân. Tại Mỹ, hằng năm, doanh thu từ ứng dụng năng lượng nguyên tử đạt tới 175 tỉ USD. Ở Nhật, doanh thu từ công nghệ bán dẫn cũng lên tới vài chục tỉ USD. Tại Việt Nam, ngoài lĩnh vực y tế, ứng dụng công nghệ bức xạ cũng được triển khai trong các lĩnh vực thuỷ hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu...

Như vậy có thể thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có số lượng thiết bị chiếu xạ tương đối nhiều trong khu vực Đông Nam Á. Đầu năm 2016, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cấp dây chuyền công nghệ chiếu xạ công suất 300 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu chiếu xạ thực phẩm, nông sản phía Bắc. Doanh thu từ chiếu xạ ở quy mô công nghiệp có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; điều chỉnh nhiệm vụ trong từng lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ để đảm bảo khả thi, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn tới; đẩy mạnh việc nhập khẩu công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ có sự tham gia của các đối tác nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.../.

BL